Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng. Vẻ đẹp của xứ sở thần tiên Cao Bằng chẳng phải lẽ tự nhiên mà đi vào thơ ca. Mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc được đất trời ban tặng nhiều sản vật thiên nhiên mà không phải nơi nào cũng có được. Đến với Cao Bằng, du khách sẽ đắm mình vào những làn điệu dân ca mượt mà, thưởng thức những món ăn độc đáo, dân dã và được trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
XỨ SỞ CỦA DANH LAM THẮNG CẢNH
Cao Bằng là tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài trên 333 km, rừng núi chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh. Nơi đây có bề dày lịch sử, văn hóa với 251 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh. Địa hình phong phú, đa dạng tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hoang sơ, là tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch văn hóa và du lịch cách mạng.
Đến với mảnh đất biên cương, du khách ghé thăm những địa danh lịch sử, như: hang Pác Bó, suối Lê-nin, nơi Bác Hồ có thời kỳ sống, làm việc và xây dựng căn cứ địa cách mạng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam... Ngoài ra, Cao Bằng còn có các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác, như: Thành nhà Mạc, đền Vua Lê… Đến Cao Bằng, du khách được khám phá những kiệt tác của thiên nhiên, như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Ở đó, dòng sông Quây Sơn hiền hòa uốn mình như dải lụa giữa những thửa ruộng mướt xanh, rồi bất chợt dòng nước đổ ào xuống không trung tạo thành thác nước hùng vĩ, tuyệt đẹp. Đồng thời, các khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Hồ Thang Hen, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén. Khắp các miền quê Cao Bằng, không gian của núi đồi ngút tầm mắt. Giữa khung cảnh hùng vĩ, những chòm xóm với mái ngói rêu phong của nhà sàn cổ nằm giữa từng khoảng ruộng bậc thang ở triền đồi thoải tạo cảm giác thanh bình. Trên những vạt đồi dốc phủ xanh bởi nương lúa, ngô của người dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ, Mông... Với nhiều ưu thế về phát triển du lịch, tỉnh Cao Bằng thực sự là điểm đến lí tưởng cho những ai đam mê du lịch, khám phá thiên nhiên.
Những năm gần đây, du lịch Cao Bằng đã có nhiều khởi sắc, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Công tác quy hoạch du lịch được hoàn thành cơ bản, nhận thức của cộng đồng về du lịch và phát triển du lịch đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư khang trang, thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Đặc biệt, năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để tỉnh phát triển du lịch bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên vừa sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc.
ĐA DẠNG VỀ VĂN HÓA
Cao Bằng có 12 huyện và 1 thành phố, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô... Chính bởi sự đa dạng của các dân tộc nên mỗi một huyện khác nhau lại mang một màu sắc văn hóa khác nhau. Song song với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh là kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc như các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, như: Lễ hội Pháo hoa, Nàng Hai, Hội Kỳ Sầm..., cùng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác luôn cuốn hút mọi người.
Người Nùng An ở Phúc Sen (Quảng Uyên) có nghề rèn truyền thống. Trong đó, xóm Pác Rằng có 51 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu dân tộc Nùng An cư trú lâu đời. Giữa bốn bề núi cao bao bọc, những nếp nhà sàn nằm quần tụ, có suối khe len lỏi, mỏ rộng trữ nước, ruộng bằng phẳng để canh tác bốn mùa. Người dân có nghề rèn, dệt vải, nhuộm chàm, đan lát, đục đá. Có điệu Hèo phươn, sli, lượn làm đặc sắc những giá trị văn hóa dân tộc. Đi giữa những nương ngô vàng, rau xanh, đá xám mới cảm nhận hết được vẻ đẹp nên thơ của phong cảnh nơi đây. Tiếng xe cộ dịu hẳn, nhường chỗ cho những âm thanh của búa, tiếng thổi lửa của lò bễ, tiếng sắt nóng nhúng vào nước... Sản phẩm rèn của người Nùng An không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn nức tiếng trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Ghé thăm nơi đây, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm chất thôn quê, như: khau nhục, rau dạ hiến xào thịt bò, lợn quay mác mật, cá suối chiên giòn. Thật tuyệt vời khi được thưởng thức văn hóa ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng. Đến Cao Bằng, du khách được thưởng thức hạt dẻ Trùng Khánh. Hạt dẻ nơi đây có vị ngọt, bùi và rất thơm. Ngoài ra, Trùng Khánh còn nổi tiếng với phiên chợ Thông Huề - nơi có các món ăn dân dã, như: đậu chao, tương mạch, bánh khảo và rất nhiều món ngon nổi tiếng khác.
Đến Bảo Lạc, ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc. Nổi tiếng nhất có lẽ là phở. Phở ở đây được người dân tự tráng bánh bằng bột gạo nguyên chất, sau đó phơi khô rồi cắt thành sợi để đến phiên chợ mang ra dùng. Nước canh chan phở ngọt bởi được ninh từ xương ống của lợn. Bưng bát phở thật đầy với những miếng thịt lợn quay vàng ruộm, trong tiết trời se se lạnh sẽ làm cho bất kì một ai cũng muốn nếm thử hương vị. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng bởi các món như: thịt lợn hun khói, thịt bò khô và đặc biệt nhất có lẽ là thịt chua. Thịt chua là món ăn được làm chín bằng cách lên men tự nhiên, sau khi ướp đầy đủ các gia vị, thịt được cho vào chum và để lên men. Thật chẳng có gì lạ khi bất kì một ai ghé thăm mảnh đất này cũng có tình cảm đặc biệt.
Cao Bằng thực sự là mảnh đất thú vị vùng biên viễn. Sự hùng vĩ của núi non, thác nước, bí ẩn của hang động, ngon lạ của món ăn và ấm áp tình người thực sự đáng để khám phá và trải nghiệm.