Để du lịch cộng đồng non nước Cao Bằng “cất cánh”

Thứ ba - 02/04/2019 13:42
Cao Bằng có nhiều di sản về địa chất, kiến trúc và danh lam thắng cảnh cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số; sản phẩm văn hóa, du lịch còn khá nguyên sơ… Đây đều là những tiềm năng lớn tạo ra loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) phát triển.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên Cao Bằng.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên Cao Bằng.
Kỳ 1: Du lịch cộng đồng Cao Bằng - “Mỏ vàng” chờ khai phá 

Hình thức DLCĐ nếu khai thác tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực nâng cao đời sống của người dân địa phương, đồng thời góp phần phát huy thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc. Dù có nhiều tiềm năng nhưng “mỏ vàng” này hiện nay vẫn chưa được Cao Bằng khai thác hiệu quả. Do đó,  đầu tư xây dựng, lựa chọn phương hướng phát triển DLCĐ là vấn đề cần thiết và cấp bách.
 

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DLCĐ...
“Mỏ vàng” quý phù hợp để phát triển loại hình DLCĐ tại Cao Bằng là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hiếm có như: Thác Bản Giốc, vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén…; vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ học và các điểm danh thắng tham quan du lịch; nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc…
 Dựa vào những căn cứ, tiêu chí thì loại hình DLCĐ rất phù hợp với đặc điểm Cao Bằng bởi là tỉnh có nhiều dân tộc đã tạo nên một bức tranh tổng hòa, đặc trưng và thống nhất, rất thích hợp khi thực hiện loại hình DLCĐ này ở các xóm, bản có đông đồng bào bản địa sinh sống.

Đặc biệt, đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... vẫn lưu giữ những phong tục tập quán độc đáo và ẩm thực đa dạng. Nếu DLCĐ trong tỉnh được đầu tư, những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm. Vì khi tham gia loại hình DLCĐ, du khách được trực tiếp trải nghiệm những hoạt động đưa gia súc đi chăn thả, lên rẫy thu hoạch nông sản, vào vườn hái rau; được tìm hiểu cách dệt thổ cẩm, đan lát; được xem biểu diễn múa, nghe các làn điệu dân ca, thưởng thức các món ăn truyền thống như rượu ngô, cơm lam, canh măng, thịt gác bếp, gà nướng, cá suối, rau rừng... Nếu đúng dịp, du khách còn được chứng kiến những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa qua các lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ mừng lúa mới, Lễ hội Nàng Hai…
Nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình DLCĐ nên những năm qua tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển mô hình du lịch này. Đến nay, một số điểm DLCĐ đã, đang được đầu tư và hoạt động, như: Điểm DLCĐ Pác Rằng (Quảng Uyên) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; Điểm DLCĐ Khuổi Khon (Bảo Lạc) - miền văn hóa Lô Lô đặc sắc và nhiều huyền bí; Làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh) với vẻ đẹp nên thơ và cổ kính… Ngoài ra, hiện nay tại một số địa phương của tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm DLCĐ mới đang chờ du khách đến khám phá như: Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Phục Hòa); Pác Búng, xã Độc Lập; Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên)…
NHƯNG CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC HIỆU QUẢ
Thực tế hoạt động DLCĐ đã được nhiều địa phương có nét tương đồng về văn hóa với Cao Bằng như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai… khai thác khá hiệu quả, được khách quốc tế ưa chuộng, tuy nhiên tại Cao Bằng, ghi nhận thực tế và ý kiến chung của một số du khách đã đến trải nghiệm thì sản phẩm DLCĐ tại các bản văn hóa du lịch của Cao Bằng so với các tỉnh bạn còn quá nghèo nàn và đơn điệu. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở hai hình thức là thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ.  
Điểm DLCĐ Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) với địa thế phía trước là cánh đồng nhỏ hướng ra quốc lộ, cuối xóm có mỏ nước bốn mùa không bao giờ cạn, đằng sau bản tựa lưng vào núi có cánh rừng nguyên sinh đã tạo cho không gian, cảnh quan môi trường sinh thái nơi đây vẻ tươi đẹp, thanh bình. Trong bản có hơn 50 hộ gia đình dân tộc Nùng An cư trú còn gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn được nét văn hóa truyền thống thể hiện trên trang phục, kiến trúc nhà ở, dân ca dân vũ, ẩm thực...

Đặc biệt, bản  có nghề rèn truyền thống đúc nông cụ nổi tiếng. So với các nơi khác, điểm DLCĐ Pác Rằng có nhiều điều kiện thuận lợi: Nằm gần khu vực trung tâm thành phố; đường trong xóm đã được bê tông hóa và người dân vẫn lưu giữ được bản sắc dân tộc. Trong xóm là nơi người dân canh tác, sản xuất, có cánh đồng lúa xanh tốt nếu du khách có nhu cầu thì có thể tham gia hoạt động sản xuất cùng bà con, hòa mình vào thiên nhiên nơi đây. Dựa trên nền tảng văn hóa của bản, Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông (ADB) giai đoạn 2009 - 2014 đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển DLCĐ với các dịch vụ: lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm…

Song đã hơn 5 năm nay, lượng du khách đến bản mới chỉ để thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ, tham quan nghề rèn… Còn các hình thức khác của DLCĐ mà bản Pác Rằng có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch lại chưa được khai thác hiệu quả. 
Ông Tô Văn T, một trong những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại Pác Rằng cho biết: Hiện gia đình tôi làm dịch vụ Homestay đón các đoàn khách du lịch đến tham quan. Ngoài ra, nếu đoàn nào có nhu cầu thì sẽ tổ chức chương trình văn nghệ do đội văn nghệ trong bản biểu diễn để quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Nùng An. Nhưng do hoạt động chủ yếu thông qua giới thiệu từ các công ty du lịch nên lượng khách tới không thường xuyên. Lượng khách lưu trú lại rất ít. Chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế từ DLCĐ mang lại chưa cao. Các hộ dân trong xóm chưa biết phải triển khai mô hình DLCĐ này như thế nào để đạt hiệu quả.
Theo Trưởng Phòng Quản lý du lịch Nông Thị Tuyến (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), việc phát triển các sản phẩm DLCĐ là phù hợp xu thế và số du khách tìm đến các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Nhưng thực tế, DLCĐ ở Cao Bằng vẫn còn nhiều hạn chế, như: Còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa đi vào thực chất; hình thức hoạt động mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng bản địa; một vài địa phương lại quá chú trọng đến yếu tố phát triển kinh tế nên tổ chức còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững hoạt động này.

Hiện nay, ngành đang đề xuất những giải pháp để phát triển loại hình DLCĐ tại một số bản có đủ điều kiện thuận lợi với quan điểm phát triển DLCĐ phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng theo hướng bền vững. Vì vậy, để có thể triển khai mô hình DLCĐ này cần có sự ủng hộ của nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan cũng như sự đồng thuận của chính quyền, nhân dân địa phương.

Hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát triển DLCĐ tại Cao Bằng còn nhiều hạn chế nên đang làm lãng phí  “mỏ vàng” tài nguyên du lịch quý giá của địa phương. Khai thác hiệu quả để phát triển DLCĐ bền vững có ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua mô hình du lịch này sẽ đáp ứng được nhu cầu khám phá văn hóa của một bộ phận du khách, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, đồng thời giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch.

Kỳ 2: Khi người dân làm du lịch cộng đồng

Nguồn tin: Thúy Hằng - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây