Chợ phiên ngày giáp Tết

Thứ năm - 24/01/2019 09:58
Những ngày cuối tháng Chạp, chợ nơi nào cũng đông đúc, ngay cả phiên chợ làng gần trường học của tôi cũng tấp nập xe cộ, hàng hóa, người chật như nêm.
Chợ bò xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm). Ảnh: Minh Tuyền
Chợ bò xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm). Ảnh: Minh Tuyền

Chợ này có tên quen thuộc là “Chợ bò”, tên gọi xuất phát từ đặc điểm của phiên chợ từ xưa: Tổ chức vào ngày 3 và ngày 8 âm lịch hằng tháng. Tại đây “mặt hàng” chủ yếu là bò, sau này đời sống cao hơn, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu con người, chợ bò trở thành phiên chợ chính của tất cả người dân xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm). Ngoài bò và phở đậu phụ, rượu, đã có hoa quả, áo quần, rau cỏ thịt thà, các loại đồ gia dụng, thậm chí có cả mấy hàng điện thoại "made in China". Tuy vậy, số lượng bò thì không giảm đi mà còn ngày một đông hơn. Có một dạo, bò lẫn với người tạo nên một cảnh chợ vừa buồn cười vừa thú vị. Sau này ban quản lý chợ đã dời đàn bò ra bãi đất cách đó khoảng 50 m, đảm bảo chợ được an toàn, vệ sinh sạch sẽ.
Bắt đầu từ ngày mùng 3 tháng Chạp hằng năm, chợ bò như sôi động dần, hàng rượu nức mùi hơn, hàng phở đậu phụ khói cuộn dày hơn, hàng áo váy Mông nới rộng thêm ra, các quầy hàng của người Kinh bắc đủ loại loa quảng cáo khuyến mại… Chợ thì vẻn vẹn một mái đình, khắp các ven đường và phần sân đất còn lại của chợ san sát người bán, đặc biệt là phiên chợ ngày 23, như thể tất thảy già trẻ gái trai toàn xã dồn hết ra chợ. Ngày 24, 25 tháng Chạp, nhà trường còn tổ chức cho học sinh bán trú ăn Tết. Sau đó, chúng tôi đi chợ chơi, cảm nhận không khí chợ Tết nơi vùng sâu xa hẻo lánh thật là thú vị.

Từ tờ mờ sáng đã nghe thấy tiếng bò lục cục đi qua con đường cạnh khu tập thể. Tiếng đồng bào Mông nói chuyện, tiếng trẻ con, tiếng lợn con, tiếng gà trống choai gáy le te dưới nách người. Chúng tôi cũng dậy sớm sửa soạn bởi chợ đông đến mấy thì đến 10 giờ cũng đã tan. Đi chẳng vì mục đích to tát gì, chỉ là được hôm rảnh rỗi, rủ nhau đưa con cái ra ăn một bát phở ba chỉ rán và xem bò. Bò phiên này có thể không có người mua, nhưng người ta cứ dắt đi, tí lại dắt về. Có khi người dân tộc Mông đưa bò đi chợ chỉ để làm bạn đường, có khi là chỗ vịn cho lúc say rượu.
 

IMG 1547345809358 1547535110303
Người dân lựa chọn mua hàng tại chợ xã Vĩnh Quang.

Từ trường tôi ra đến chợ khoảng 7 km đường nhựa, trên đường đi cơ man váy Mông xập xòe, các bà các cô gùi trên lưng bao hạt trẩu hay bao ngô, hay đeo ngay nách đôi gà, con lợn con… Còn người Tày thì gánh bánh dày nhân vừng đen, rượu, ngô, khoai, sắn… Những đứa trẻ con chân đất tròn lẳn,  chạy theo bố mẹ rất nhanh và khỏe, vừa đi vừa đưa tay dụi mắt. Đến lưng dốc cách chợ khoảng 20 m, các bà các cô bắt đầu chọn một bụi cây, vệ cỏ sạch sẽ đem gương lược, váy áo mới ra mặc, tô một ít son gió, đội lên đầu cái mũ hạt… mất chục phút thôi mà đẹp lên. Đến chợ, việc đầu tiên của các mẹ là dắt trẻ con vào quán phở đậu phụ cho chúng ăn no rồi mới dắt đi mua quần áo, giày dép, mua quà bánh, nếm rượu, mua rượu…

Nói đến phở, chợ bò cũng có gần chục hàng phở làng chính hiệu nằm sát nhau bao quanh đình chợ ngay bên dòng sông Gâm. Quán nào cũng có một khay đầy đậu phụ rán hình tam giác và một khay ba chỉ rán vàng ruộm, mới len qua giữa đình chợ đã thấy được mùi nước canh ngầy ngậy và mùi hành thơm phức, phở ba chỉ rán 20 nghìn đồng, phở đậu phụ 10 - 15 nghìn đồng, tùy người ăn. Đồng bào dân tộc Mông thường chọn phở đậu phụ, đến giữa buổi, sau khi đã bán xong bò hoặc không bán nữa, cánh đàn ông kệ những chú bò đứng vẩn vơ nhai nước bọt bên cọc cắm, bỏ vào nhâm nhi phở đậu phụ và rượu, khoan thai và rôm rả cho đến khi say.
 

IMG 1547345851554 1547535138237
Đồng bào xuống chợ.

Hơn 10 giờ, chợ vãn dần, mọi thứ có vẻ như tan tác sau một cơn lốc nhẹ, các sạp hàng xén thu dọn ra về, nếu như lúc đi lưng cõng hạt trẩu, cõng ngô, khoai, sắn, nách đeo gà lợn thì lúc về lại đeo cơ man nào những đồ mới mua. Các em bé khi nãy chân đất lem nhem vừa đi vừa dụi mắt giờ chân có ủng, tay cầm bịch bim bim vừa đi vừa ăn trông thật ngộ nghĩnh. Về muộn hơn là những người say rượu, đồng bào đi chợ hình như không say không về, mà say rồi cũng đâu có về được.

Không chỉ trong phiên chợ giáp Tết, tôi đã thấy cảnh đàn ông Mông say rượu, chuyện chồng say rượu ngủ ven đường vợ ngồi canh. Thậm chí có lần tôi đi đến trung tâm huyện công tác, khi trở về lúc 2 giờ chiều thấy ngay trên đỉnh dốc có một bà mẹ say rượu, dựa ngay vào ta luy mướt cỏ ngủ ngon lành, bên cạnh là hai đứa nhỏ khoảng 6 tuổi ngồi đợi. Còn một cảnh tượng quen thuộc mà tôi vẫn hay gặp là những người đàn ông say rượu vừa đi... vừa ngủ.

Những con bò có vẻ như rất hiểu chủ, cứ ngoan ngoãn bước, bởi thế bán được bò hay không đâu có quan trọng đối với đồng bào.
Chợ Tết thực sự có ý nghĩa đối với học trò của tôi, nhà trường cũng quán triệt phát tiền theo chế độ chính sách, 116 nghìn đồng đối với học sinh bán trú, 86 nghìn đồng đối với hộ nghèo. Trước ngày chợ, các em đi chợ mua quần áo mới, còn lại đem về cho bố mẹ. Có nhiều em học lớp 6, lớp 7, sợ bị mất tiền nên nhờ giáo viên chủ nhiệm đưa đi mua quần áo. Người lớn đi theo vừa bảo đảm, vừa mua được đồ đẹp mà lại biết mặc cả. 
Chợ bò những phiên gần Tết là vậy, sôi động, hấp dẫn, giúp cho đồng bào nơi đây có được mọi thứ đủ ăn Tết và chơi xuân sau một năm lao động cực nhọc. Ăn Tết xong, chợ dường như "nghỉ ngơi", nghỉ ngơi dài cả tháng Giêng vì tháng Giêng đồng bào không ra chợ mà du xuân trảy hội.
Nguồn: Đàm Hải Yến - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây