Định hướng về du lịch Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Giá trị di sản văn hóa, lịch sử của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là mô hình CVĐC vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Hiếm có nơi nào có giá trị di sản phong phú như CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có 130 điểm di sản địa chất độc đáo, hình thành hơn 500 triệu năm, trong đó có nhiều điểm được xếp hạng quốc tế.
Việc đón nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là niềm tự hào, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời cũng là lợi thế đặc biệt riêng có để tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Cao Bằng phải xây dựng được thương hiệu du lịch đặc sắc miền núi và liên kết với 6 tỉnh Việt Bắc. Trên cơ sở giá trị của CVĐC, tỉnh xây dựng và đưa vào khai thác ba tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng theo sự tư vấn của UNESCO, gồm: Tuyến du lịch phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” (Nguyên Bình); Tuyến Cụm du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (Hòa An, Hà Quảng); Tuyến du lịch cụm phía Đông - “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An), với 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai liên kết vùng với các tỉnh Việt Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn trong phát triển du lịch. Đặc biệt, từ ngày 22 - 26/11/2018, Cao Bằng tổ chức Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X thu hút 6 tỉnh Việt Bắc đến tham dự văn hóa ẩm thực, thể thao dân tộc, biểu diễn nghệ thuật và trang phục truyền thống các dân tộc, qua đó tôn vinh, quảng bá tinh hoa văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của 5 tỉnh Việt Bắc và Cao Bằng nhằm tăng cường kết nối, liên kết du lịch vùng.
Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, ngay từ đầu năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn đã chỉ đạo quyết liệt đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, cơ quan thông tấn báo chí... xây dựng cụ thể các nhiệm vụ, chiến lược phát triển du lịch, như chỉ đạo các ngành, huyện trồng hoa tạo cảnh quan tươi đẹp ở các khu du lịch trọng điểm và các điểm danh thắng; các sở, ngành, huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp sạch tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để sản xuất sản phẩm đặc hữu cho phát triển kinh tế nông nghiệp và sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng có, thu hút du khách, như: đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, phát triển các làng nghề sản xuất đặc sản bánh khảo, miến dong, thạch đen, hạt dẻ, tương mạch, chè chất lượng cao, lạp sườn, thịt lợn đen, thịt bò hun khói... Các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông địa phương xây dựng đề án tuyên truyền quảng bá đất và người Cao Bằng, cảnh đẹp, sản vật, lễ hội, dân ca dân vũ, đa dạng sinh thái... trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đưa Cổng thông tin điện tử Du lịch thông minh Cao Bằng có tên miền: https://caobangtourism.vn vào hoạt động, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền, doanh nghiệp; xây dựng ngành du lịch chất lượng cao phục vụ du khách, thúc đẩy, đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững. Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 đã thu hút được doanh nghiệp, tập đoàn Công ty cổ phần Green Invest Holding, Tập đoàn Sun Group , Công ty cổ phần du lịch Tây Bắc Việt... đầu tư vào du lịch Cao Bằng.
Các cấp, ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát huy giá trị, tiềm năng du lịch, tạo đà cho du lịch Cao Bằng chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh tiếp tục được đầu tư khang trang, thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Các khu, điểm du lịch trọng điểm được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 230 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng, trong đó, 74 cơ sở đạt từ 1- 2 sao, 6 homestay, 142 nhà nghỉ với gần 3.000 phòng/4.800 giường.Nhân lực du lịch trên 1.400 người, 24 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa. Các đề án, dự án cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ liên quan được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ cho du lịch. Năm 2018, lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt con số ấn tượng 1.200.000 lượt người, tăng 30% so với năm 2017. Doanh thu du lịch đạt 360 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2017.
Tiếp tục thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng, khai thác các khu du lịch có tiềm năng, như: Thác Bản Giốc - chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc - động Ngườm Ngao; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen; các khu, điểm du lịch động Giộc Đâư; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An)... Đặc biệt UNESCO công nhận CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, sẽ là bước đột phá trong phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, Cao Bằng đã và đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối với các địa phương trong cả nước, phát triển du lịch, thương mại và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. |
Để du lịch Cao Bằng phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu du lịch, đồng chí Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch cho biết: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch Trekking (phượt hay khám phá), du lịch về nguồn... làm cho du lịch Cao Bằng không bị nhàm chán, sản phẩm du lịch không lặp lại. Đẩy mạnh du lịch liên kết vùng với tỉnh Hà Giang có CVĐC và các tỉnh Việt Bắc có nét văn hóa, lịch sử tương đồng..., là cầu nối quan trọng gắn kết với các khu, điểm du lịch cấp Quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam, thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống… Với những bước tiến mới du lịch năm 2018, sẽ tạo đà thúc đẩy cho du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, trở thành ngành kinh kế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn