Chợ hội thị trấn Bảo Lạc đã có từ xa xưa, theo người dân địa phương gọi là “Háng toán” hoặc “Háng Phúng lìu”, người Nùng biên giới gọi là “Phúng lìu cái” tức là chợ “Phong lưu”. Khu chợ nằm trên một con phố giữa trung tâm thị trấn với địa hình tựa như lòng chảo, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi, một bên là dòng sông Gâm uốn lượn hiền hòa, bốn bề trời mây đậm nét “sơn thủy hữu tình”.
Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc thường diễn ra vào 2 ngày 30/3 và 15/8 âm lịch hằng năm. Vào ngày “áp phiên”, khi bình minh vừa mới ló rạng, bà con ở các bản làng xa xôi từ khắp các ngả đường náo nức kéo về dự phiên chợ hội với bao lời hò hẹn, chẳng nề hà đồi núi gian nan hay dốc, suối trập trùng. Lúc màn đêm buông xuống, âm thanh của điệu hát sli, hát lượn tha thiết, làn điệu dân ca thắm đượm tình người khiến không gian trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Tiếng sáo vi vu, tiếng khèn Mông du dương trầm bổng gọi bạn tình da diết, các cô gái sặc sỡ váy hoa, thẹn thùng e ấp đợi chờ… Tâm trạng buổi áp phiên chợ tình rất lạ, giống như trước khi yêu - khấp khởi đấy nhưng cũng xen lẫn lo âu, hồi hộp.
Trong đêm hội đông đúc ấy, xuất hiện cả những gương mặt đã ở tuổi xế chiều, mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau rằng: Dạo này có khỏe không? Con lợn, con gà có lớn nhanh không? Cây ngô trên rẫy có xanh tốt không? Họ gặp nhau để cùng nói về những câu chuyện bình dị, mộc mạc thế thôi. Hay có những người đi chợ tình chỉ để gặp bạn bè, cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy nhọc nhằn, để chếnh choáng theo men say nồng đậm. Họ đốt lửa tâm sự, nhảy múa, uống rượu rồi hát suốt đêm đến sáng không biết mệt. Hẳn là một đêm không ngủ với những ai có mặt giữa không gian văn hóa lãng mạn này.
Đúng ngày chợ phiên, các chàng trai, cô gái tụ hội từng nhóm theo từng dân tộc, khoác trên mình những bộ xiêm y rực rỡ sắc màu, leng keng vòng bạc, xúc xắc…
Phụ nữ Mông má đỏ hây hây, e ấp như con hươu, con nai trên rừng, nhưng lại tràn trề nhựa sống như cánh đào phai trong nắng sớm. Từng bước đi uyển chuyển, xoay tròn nếp váy xòe cùng áo vải thêu cầu kỳ màu đen huyền bí, pha với màu trắng tinh khôi và xanh non dịu dàng.
Phụ nữ Dao tươi tắn trong trang phục đen phối đỏ nổi bật, ngực đeo chuỗi bông đỏ, đầu đội khăn hoa văn tinh xảo làm khuôn mặt bừng sáng, mỗi bước chân vang lên tiếng nhạc reo từ bộ trang sức nhiều vòng bạc chạm khắc cầu kỳ.
Con gái Lô Lô nhỏ nhắn, mảnh mai, đầu quấn khăn đính hạt cườm, cánh tay áo thêu bảy màu, như nàng tiên mang sắc cầu vồng.
Các cô gái Sán Chỉ đằm thắm với tà áo chàm dài viền đỏ; các chị em Tày, Nùng thẹn thùng, e ấp trong bộ trang phục sắc chàm truyền thống…
Nam thanh, nữ tú cùng vui trong tiếng khèn, chân xoay theo điệu múa, rung rinh tà váy, xoắn xuýt người đi, kẻ ở.
Các đôi trai gái say mê hát Lượn cọi, hát Nàng ới giao duyên và tình tứ trao khăn cho nhau. Rồi những khuôn mặt khách du lịch háo hức, tò mò, đầy phấn khích ngắm nhìn và tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống, như: lày cỏ, đẩy gậy, tung còn... Không khí rộn ràng bởi tiếng reo hò, cổ vũ cuồng nhiệt của cả người dân bản địa lẫn khách du lịch.
Anh Nguyễn Tuấn Phong đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: Tôi đã được đến nhiều phiên chợ tình ở Sa Pa, Mộc Châu nhưng đây là lần đầu tiên tham gia chợ tình “Phong lưu” của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ấn tượng nhất là các cô gái ở đây có vẻ đẹp rất lạ và đặc biệt thu hút. Phiên chợ vô cùng náo nhiệt, tiếng sáo, tiếng khèn có ở khắp mọi nơi”.
Giống như các phiên chợ khác trong năm, chợ tình “Phong lưu” cũng có nhiều món ẩm thực và sản vật quý hiếm, dễ dàng chinh phục bất cứ thực khách khó tính nào. Hương vị thịt treo gác bếp, thịt lợn khô, lạp sườn hun khói đậm đà, thịt chua lạ miệng, rượu ngô ủ men lá thơm nồng nàn, quyện với xôi nếp nương mềm dẻo, bánh ngô, bánh trứng ngon lành…
Mặt hàng chính đắt khách nhất trong ngày chợ là bánh hình mặt trăng (pẻng hai) và bánh khảo nhân tàu xá gói vuông vắn bằng giấy xanh đỏ. Bánh khảo được các chàng trai mua tặng cô gái đã quen biết, hẹn hò nhau từ phiên chợ 30/3 âm lịch. Kỷ vật trao duyên cho chàng trai dân tộc Nùng là đôi giày được làm từ vải chàm, thêu hoa văn tinh tế hình rồng, phượng, mặt trăng... mà người thiếu nữ tự tay khâu, gửi gắm nỗi niềm thương nhớ trong từng đường kim, mũi chỉ. Sau đó các đôi trai gái rủ nhau thưởng thức bát thắng cố, phở xá xíu, nhâm nhi chén rượu ngô và đi chơi hội đến chiều tối mới lưu luyến chia tay.
Nguồn tin: P.A -baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn