Kỳ cuối: Những “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch cộng đồng hiện nay
Mặc dù đã có những cố gắng nhất định, nhưng lượng du khách đến các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở Cao Bằng những năm qua còn ít, doanh thu từ DLCĐ thấp, đóng góp không đáng kể vào nguồn thu nhập của cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh, những “điểm nghẽn” khiến DLCĐ tỉnh hiện chưa phát triển dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, chính là: Cơ chế, chính sách khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông chưa thuận tiện; nguồn nhân lực làm du lịch còn nhiều hạn chế. Những “điểm nghẽn” này thể hiện rõ ở lượng khách du lịch đến Cao Bằng còn ít, doanh thu thấp, số ngày lưu trú trên địa bàn mới đạt bình quân từ 2 - 3 ngày và lượng khách quay trở lại không nhiều. Hệ thống cơ sở lưu trú còn ít và thiếu các cơ sở có chất lượng cao; sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch chưa phát triển; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế; chưa thu hút đầu tư xây dựng được các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh với các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn... Quy mô và hình thức các hoạt động DLCĐ còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và thị trường chưa rõ nét nên ít có khả năng thu hút khách du lịch.
Nguyên nhân của những “điểm nghẽn” trên do Cao Bằng là tỉnh miền núi, phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn; sự phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương có liên quan còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ; hoạt động hợp tác phát triển du lịch nói chung và việc liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nói riêng nhìn chung vẫn mang tính tự phát, nặng về hình thức, còn manh mún, dàn trải, thiếu sự liên kết phối hợp đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Hiện, tỉnh vẫn chưa có bộ công cụ quảng bá hữu hiệu, chưa có khả năng thực hiện các chương trình quảng bá lớn tại các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Các tour, tuyến du lịch hình thành chưa rõ nét, chưa có sự gắn kết với các chương trình, hoạt động, sự kiện du lịch trong khu vực…
Qua tìm hiểu thực tế tại một số điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh, lượng du khách không đều và quá ít. Khoảng 1 tuần đến nửa tháng mới đón được một đoàn khách, thậm chí lâu hơn, nên thu nhập không bù lại cho vốn và công sức bỏ ra. Vì vậy, nhiều người dân quay trở lại làm những công việc trước kia, dù thu nhập ít nhưng ổn định. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước, quy hoạch phát triển DLCĐ tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập: hệ thống các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn phát triển không theo quy hoạch, kiến trúc chưa phù hợp với cảnh quan, chất lượng buồng giường chưa cao; các dịch vụ phụ trợ chưa đầy đủ, trong khi đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn của du lịch, lực lượng lao động trong các cơ sở dịch vụ du lịch chưa có nghiệp vụ chuyên sâu…
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển DLCĐ của Cao Bằng, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, tăng nguồn thu cho cộng đồng dân cư và các địa phương, trong thời gian tới, cần có những chủ trương, cách làm bài bản, từng bước. Trước hết làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo vệ và khai thác các điểm DLCĐ hợp lý.
Có giải pháp hiệu quả huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, tận dụng một số quỹ cộng đồng để phát triển DLCĐ cho địa phương. Sử dụng nguồn vốn này để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, chợ, các khu du lịch, bảo vệ môi trường cảnh quan, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vệ rừng; hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng nhà lưu trú bằng hình thức cho vay với lãi suất thấp, khuyến khích họ tham gia tích cực vào việc phát triển DLCĐ; có những kế hoạch để khích lệ người dân địa phương gìn giữ những nghề thủ công truyền thống…
Đặc biệt, cần có những cơ chế chính sách đặc thù để phát triển DLCĐ như: Các chính sách về ưu tiên, miễn giảm thuế trong thời gian điểm DLCĐ mới đi vào hoạt động; chính sách khuyến khích người dân sản xuất các sản phẩm thủ công của cộng đồng để phục vụ cho khách du lịch; thành lập Ban quản lý DLCĐ có sự tham gia của người dân trong toàn bộ quá trình như cùng bàn luận, xây dựng kế hoạch, phân công công việc.
Ngoài ra, cần phải có những cơ chế chính sách dài hạn như các quy định về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch hợp lý và thay đổi phù hợp với từng địa phương và từng giai đoạn cụ thể. Trong công tác quản lý DLCĐ cần có những giải pháp thiết thực để nâng cao năng lực cán bộ các cấp; xây dựng mô hình DLCĐ hiệu quả. Đặc biệt, người dân - chủ thể làm DLCĐ cần nâng cao nhận thức về DLCĐ và trình độ phục vụ DLCĐ.
DLCĐ là hướng đi bền vững, hiệu quả nhưng phải có lộ trình và bước đi vững chắc. Đồng thời, các ngành chức năng cần thực sự vào cuộc để tạo mọi điều kiện phát triển DLCĐ trong thời gian tới, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của non nước Cao Bằng.
Nguồn tin: Thúy Hằng - baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn