Khám phá những điểm dừng chân lý thú ở Hòa An

Thứ hai - 16/07/2018 09:26
Tuyến tham quan "Trở về nguồn cội" trong Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu Non nước Cao Bằng bắt đầu từ thành phố Cao Bằng ngược lên phía Bắc với các điểm dừng chân, các di tích lịch sử, cùng các món ẩm thực đặc sắc, các làng nghề thổ cẩm truyền thống. Trong đó, một số điểm dừng chân trên địa bàn huyện Hòa An chứa đựng nhiều giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử.

 

Đường lên hang Ngườm Bốc, xã Hồng Việt.

Đền Dẻ Đoóng (hay Giang Động) thuộc làng Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt (Hòa An), có sông Bằng chảy qua bồn trũng Hòa An. Bồn trũng này hình thành do hoạt động của đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên. Đền Dẻ Đoóng là nơi duy nhất trong các điểm tham quan của CVĐC Toàn cầu Non nước Cao Bằng, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và cảnh quan giống như ở một làng xóm châu thổ sông Hồng, giữa một vùng non nước.
Đền Dẻ Đoóng được xây vào năm 1429, lúc đầu thờ các vị thần sông, thần núi có công với người dân tổng Nhượng Bản, châu Thạch Lâm xưa. Sau này vua Mạc Kính Cung đặt tên là đền Giang Động. Đến thời Hậu Lê (1427 - 1789), Đền Dẻ Đoóng được sửa sang lại. Sau này, đưa thêm tượng Phật và thánh mẫu vào phối thờ, từ đó đền có thêm chức năng thờ Phật và mẫu.
Lễ hội đền Dẻ Đoóng mang tín ngưỡng dân gian của cộng đồng với niềm tin khát vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân an vật thịnh, được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm. Tại đây, ngày 15/6/1945 đã diễn ra lễ chào mừng thành lập UBND lâm thời tỉnh Cao Bằng. Năm 2008, đền Dẻ Đoóng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hang Ngườm Bốc (Hang Khô) nằm ở sườn tây dãy núi Lam Sơn, thuộc xóm Bản Nưa, thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt. Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 3 - 8/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó về căn cứ địa ở Lam Sơn để chỉ đạo cách mạng. Ngườm Bốc cũng là nơi xưởng quân giới Lê Tổ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Vườn đá Hoàng Tung.

Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở Ngườm Bốc nhiều di chỉ cho thấy đây từng là nơi cư trú của người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách ngày nay khoảng 10.000 năm. Trong truyền thuyết nổi tiếng Pú Luông - Slao Cải của người Tày, Ngườm Bốc là nơi cư trú đầu tiên của hai nhân vật truyền thuyết này ở đất Cao Bằng.
Về mặt địa chất, hang Ngườm Bốc phát triển trong đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách ngày nay khoảng 360 - 270 triệu năm (kỷ Carbon- Permi). Ở cửa hang còn thấy rõ dấu vết của thềm và dòng chảy cổ, chứng tỏ đã bị nâng lên trong giai đoạn gần đây (gọi là giai đoạn tân kiến tạo).
Năm 2004, hang Ngườm Bốc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
"Vườn đá" Hoàng Tung nằm ở xã Hoàng Tung, vì đá vôi ở đây đã được rửa lũa, ăn mòn một cách đặc biệt. Những chỏm nhọn đá vôi cao trên 20 m, rộng trên 10 m. Phủ lên trên là màu nâu đỏ của trầm tích lục nguyên và phun trào trẻ hơn của hệ tầng sông Hiến. Vườn đá Hoàng Tung phản ánh một giai đoạn trong lịch sử phát triển địa chất lâu dài của khu vực. 
Hang Ngườm Slưa, xã Hoàng Tung phát triển trong khối đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông và ấm cách ngày nay khoảng 270 - 360 triệu năm (kỷ Carbon - Permi). Trước cửa hang còn lưu giữ dấu vết hai bậc thềm sông - minh chứng cho hoạt động nâng của khu vực này trong giai đoạn gần đây (gọi là tân kiến tạo).

Lễ hội Đền Vua Lê.

Theo truyền thuyết của người Tày, Ngườm Slưa là hang đá mà chàng Pú Luông đánh nhau với hổ để bảo vệ cuộc sống yên bình của gia đình.
Ngườm Slưa là nơi in báo Cờ Đỏ (1932 - 1933), cơ sở hoạt động cách mạng từ năm 1932 - 1936. Năm 1995, Ngườm Slưa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đền Vua Lê trong thành Nà Lữ - kinh thành của vương triều Mạc ở Cao Bằng từ thế kỷ XVI đến XVII. Thành Nà Lữ do Cao Biền đắp bằng đất vào năm 864 đời Đường...
Năm 1995, thành Nà Lữ, đền Vua Lê được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

 
Minh Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây