|
Công viên địa chất Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. |
Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO - Non nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…
CVĐC toàn cầu Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích Chiến thắng chiến dịch Biên Giới, Di tích liệt sĩ Kim Đồng…
CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa Karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới.
CVĐC toàn cầu UNESCO - Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
CVĐC toàn cầu UNESCO - Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử sinh sống từ rất sớm và đặc biệt, là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngắm thiên nhiên tuyệt đẹp của Cao Bằng:
|
Đường đi Cao Bằng tuy có nhiều đèo uốn lượn, nhưng hệ thống đường giao thông khá đẹp và thuận lợi. |
|
Thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình phản ánh cuộc sống giản dị của người dân sinh sống tại đây. Hai bên đường đi, những bãi ngô trồng ngút tầm mắt. |
|
Hang Pác Bó - Di tích quốc gia đặc biệt của Cao Bằng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài. |
|
Vị trí Bác Hồ thường hay câu cá tại suối Lê Nin. Vị trí này hấp dẫn nhiều khách du lịch nghỉ chân và chụp ảnh lưu niệm. |
|
Suối Lê Nin mùa nước lên mang màu xanh như ngọc. |
|
Quần thể non nước Cao Bằng nhìn từ Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
|
Hệ thống suối của Cao Bằng chảy xiết, uốn lượn quanh những dãy núi đá tạo nên khung cảnh non nước hữu tình. |
|
Khu di tích liệt sĩ Kim Đồng. |
|
Quần thể thác Bản Giốc ở biên giới phía Bắc. Đây là thác nước vùng biên giới đẹp nhất Đông Nam Á. Thác Bản Giốc chỉ cách động Ngườm Ngao 3km, nằm trên huyện Trùng Khánh. Mùa này, nước từ đầu nguồn đổ về nhiều, hệ thống thác chính và phụ đều xối xả, tạo nên khung cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp. Đứng cách xa hàng chục mét, du khách có thể cảm nhận được hơi nước. |
|
Nhiều du khách tranh thủ tắm suối, ngăm thác. |
|
Hình ảnh bông hoa sen nổi tiếng trong động Ngườm Ngao - một trong những hang động nằm trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng. |
|
Vào tháng 7, cũng là lúc mùa nước lên cao. Trong động Ngườm Ngao nghe rõ tiếng suối chảy róc rách. Các mạch nước ngầm trong hang chảy thành dòng tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Theo một hướng dẫn viên địa phương, hiện nay động Ngườm Ngao dài 1km, có 3 cửa hang, trong đó có một cửa hang có thể đi xuyên tới làng của người dân tộc sinh sống. Khi Ban quản lý di tích bật đèn trong động, bà con dân tộc thường men theo dòng suối trong hang để đi sang. |
Hoàng Lân