Cao Bằng - dấu ấn độc đáo trong lòng bạn bè

Thứ ba - 10/07/2018 09:27
Vinh dự cho Cao Bằng - vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc, giàu bản sắc văn hóa là nơi được đón tiếp 12 đoàn nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ đến dự Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc - 2018 (đợt 1) diễn ra từ ngày 29/6 - 7/7/2018. Trong những ngày tràn đầy niềm vui hân hoan diễn ra liên hoan, chúng tôi được gặp gỡ, lắng nghe các nghệ sỹ, diễn viên đại diện cho các tỉnh đến dự bày tỏ tình cảm, ấn tượng sâu sắc khi đến với Cao Bằng.
 

 

Những tiết mục của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng được minh họa bằng hình ảnh non nước Cao Bằng chiếu trên màn hình LED để lại nhiều ấn tượng cho khán giả và các đoàn tỉnh bạn.

TÌNH NGƯỜI CAO BẰNG NỒNG HẬU, GẦN GŨI
Đây là năm thứ 4, Đoàn Ca múa Hải Phòng tham gia Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc nhưng chưa lần nào các diễn viên trong đoàn lại thấy náo nức, phấn chấn như lên Cao Bằng lần này. Bởi đến với Cao Bằng là đến với miền núi biên cương Tổ quốc, chiếc nôi cách mạng, giàu bản sắc văn hóa. Tuy tỉnh miền biển và miền núi khác biệt nhau nhưng lại chung nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc trên đất liền và hải đảo. Vì vậy, đoàn đã chọn các tiết mục nghệ thuật đặc sắc miền biển, trong đó chú trọng tiết mục ca ngợi tinh thần bảo vệ biển đảo, chủ quyền Tổ quốc - truyền thống văn hóa đặc trưng miền biển để chia sẻ, hun đúc truyền thống yêu nước, dân tộc với Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng Chu Tâm Huy chia sẻ: Khi lên Cao Bằng, chúng tôi thật sự xúc động, ấn tượng bởi người miền núi Cao Bằng rất chân thật, nồng hậu, nhân ái. Từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành đến người dân..., chúng tôi đều thấy sự tiếp đón nồng hậu, chân thành, gần gũi. Đặc biệt nghe các bài hát về cội nguồn cách mạng kể về Bác Hồ ở Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân..., lắng sâu trong Đoàn Hải Phòng chúng tôi là văn hóa lịch sử thiêng liêng về Cao Bằng và muốn trở lại nhiều lần.
 Đại diện cho các đoàn nghệ thuật vùng Tây Bắc, nhạc sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La và Cao Bằng đại diện cho các tỉnh phía Đông - Tây Tổ quốc có nhiều nét văn hóa tương đồng của dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Thái... Bên cạnh đó cũng có sự khác biệt. Để đem văn hóa truyền thống Sơn La đến với Liên hoan nói chung và Cao Bằng nói riêng, Đoàn đã chuẩn bị dàn dựng, luyện tập rất công phu các tiết mục đặc sắc đại diện cho Tây Bắc. Thành viên trong đoàn ai cũng phấn chấn hăng say luyện tập từ đầu năm 2018, mong chờ đến với vùng đất Cao Bằng tươi đẹp, hùng vĩ và giàu truyền thống cách mạng. Đến Cao Bằng, chúng tôi không chỉ ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn đón nhận tình cảm bà con nơi đây nồng hậu, gần gũi, thân thiện. Đoàn chúng tôi được quan tâm, đón tiếp rất chu đáo từ công tác hậu cần, chuẩn bị luyện tập. Trung tâm Hội nghị tỉnh - nơi các đoàn công diễn được đầu tư khang trang, đầy đủ trang thiết bị. Công tác tổ chức rất chu đáo, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tổ chức, đoàn thể, sở, ngành của tỉnh đều đến gặp gỡ, động viên đoàn... Vì vậy, đến Cao Bằng chúng tôi thấy ấm áp, đầy đủ như ở nhà. Đặc biệt, ẩm thực Cao Bằng độc đáo, phong phú, đậm đà, như: bánh cuốn canh, phở vịt, phở chua, thạch đen, bánh khảo, bánh dày ngũ sắc... 
TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, LỊCH SỬ VÀ CÁC DANH LAM ĐƯỢC GÌN GIỮ TỐT
Tình người nồng hậu, ấm áp - đó là những cảm nhận của các nghệ sỹ, diễn viên khi đến Cao Bằng tham gia Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc (lần 1). Bên cạnh đó, truyền thống lịch sử, văn hóa, các danh lam, thắng cảnh, di tích của Cao Bằng cũng khiến cho các nghệ sỹ, diễn viên của các tỉnh không khỏi ngỡ ngàng, trầm trồ bởi sự hùng vĩ, cuốn hút và ý thức bảo tồn, gìn giữ của người Cao Bằng rất cao.
Nghệ sỹ Ưu tú Hồ Hoài Anh, thành viên Ban Giám khảo Liên hoan chân thành nói: Tôi từng đi nhiều nơi, nhiều lần tham gia ban giám khảo các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhưng hiếm khi gặp địa phương nào có sự đồng điệu trong văn hóa nghệ thuật truyền thống từ văn nghệ sỹ đến công chúng khán giả như ở Cao Bằng. Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng chuẩn bị các tiết mục rất công phu, biểu diễn cháy hết mình. Còn khán giả Cao Bằng cũng đến xem các đoàn biểu diễn rất đông, chật kín khán phòng; ghế không đủ ngồi bà con vẫn đứng xem say sưa... Điều đó chứng tỏ bà con khát khao thưởng thức văn hóa nghệ thuật, quan tâm, lưu truyền văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc dân tộc. Đặc biệt các di tích, thắng cảnh của Cao Bằng đẹp, hấp dẫn và được bảo tồn, gìn giữ rất tốt. Thác Bản Giốc (Trùng Khánh), trước đây tôi chỉ được thấy trong phim, ảnh nhưng khi đến nơi tôi ngỡ ngàng, choáng ngợp bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thác. Điều đó chứng tỏ người dân Cao Bằng không chỉ có ý thức gìn giữ, lưu truyền văn hóa nghệ thuật truyền thống mà còn gìn giữ non sông gấm vóc trên dải đất biên cương có vẻ đẹp riêng, khó nơi nào sánh bằng. 
 Tuyên Quang có hát Then cũng như Cao Bằng và cùng là nơi Bác Hồ xây dựng căn cứ địa cách mạng, chiến khu Việt Bắc... Vì thế Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang đem tiếng Then, đàn tính, điệu múa người Tày đến Cao Bằng để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cùng làm lan tỏa đặc sắc hát Then nơi cội nguồn hát Then ở Cao Bằng. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Các tiết mục nghệ thuật của đoàn có nội dung ca ngợi truyền thống văn hóa, lịch sử Tuyên Quang - nơi đất thiêng cách mạng cũng là ca ngợi Cao Bằng - chiếc nôi cách mạng của cả nước mà lịch sử khẳng định. Đoàn đến Cao Bằng được nghe, được xem Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng hát Then cổ rất ấn tượng và càng hiểu sâu sắc giá trị then Tày cổ để làm cơ sở nâng tầm các làn điệu Then mới. 
Còn chị Kim Chung, nghệ sỹ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam xúc động chia sẻ cảm nhận của mình: Tôi dùng từ “tuyệt vời” để nói khi đến Cao Bằng tham dự Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc - 2018 (đợt 1). Bởi khâu tổ chức rất quy củ, nghiêm túc, văn hóa ứng xử của mọi người rất văn minh. Dù đời sống nhân dân nơi đây chưa đạt mức cao nhưng có tình yêu nồng nàn, đam mê với văn hóa nghệ thuật. Các đoàn biểu diễn, khán giả đến xem đông, cổ vũ hết mình là niềm động viên tinh thần rất lớn cho chúng tôi. Đặc biệt hơn, tôi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó và nhiều điểm tham quan khác, nơi đâu cũng thấy bà con nói, giới thiệu về Bác Hồ với niềm tin yêu tha thiết. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động, nhân lên nhiều ý nghĩa khi đến Cao Bằng, được hiểu về một vùng đất có văn hóa truyền thống đặc sắc đã hun đúc thành ý chí cách mạng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bồi đắp thêm cho tôi tình yêu thiêng liêng với Bác Hồ, với đất nước. 
Mỗi người một cảm nhận, một suy nghĩ, nhưng những gì mảnh đất và con người Cao Bằng - nơi biên cương Tổ quốc đã và đang có đã đem đến cho những người bạn, những du khách khi đến Cao Bằng một tình cảm đặc biệt, một ấn tượng sâu sắc khó nhạt phai. Điều đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Cao Bằng tiếp tục phát huy những gì mà mình đã có và khắc phục những gì còn chưa hay để Cao Bằng mãi là vùng non nước hữu tình, hấp dẫn trong lòng du khách và bạn bè trong nước, quốc tế.

Bài và ảnh: Trường Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây