Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, 400 triệu năm trước, khu vực này từng là biển nông; lắng đọng trầm tích, từ đây đã hình thành nên đá vôi và lưu giữ một lượng lớn hóa thạch cổ sinh, những bằng chứng của một môi trường biển cổ kéo dài và rất phong phú trong quá khứ.
Phần lớn những cổ sinh vật này là san hô, sống trong môi trường biển nông ở độ sâu khoảng 20 - 50 m, nhiệt độ 18 - 200C. San hô (tên khoa học là Anthozoa) là loài sinh vật có hình dáng bên ngoài giống như bông hoa. Chúng hình tròn, nhỏ và sống thành quần thể gồm nhiều cá thể riêng biệt. San hô không di chuyển được, hóa thạch san hô vì thế thường được bảo tồn tốt. Hơn thế, san hô chỉ sống trong môi trường rất đặc trưng. Sự tồn tại và phát triển của chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, như nhiệt độ, độ sâu, độ mặn, ánh sáng. Vì thế, hóa thạch san hô rất có giá trị trong việc định tuổi của đá chứa chúng cũng như điều kiện cổ môi trường nơi chúng từng sống.
Tại đây, cũng tìm thấy hóa thạch “Tay cuộn”. “Tay cuộn” gần như không có khả năng tự vệ; lớp vỏ bọc quanh thân mềm là sự bảo vệ duy nhất của chúng. “Tay cuộn” có chân thịt (cuống nhỏ) cứng, bám cố định lấy bề mặt đáy biển như diện lộ đá gốc, đá tảng hoặc các loài sò ốc khác. “Tay cuộn” không thể chủ động kiếm thức ăn. Ngày nay, vẫn còn khoảng 300 loài “Tay cuộn” sống trong môi trường nước biển lạnh, sâu trong khi đa số các loài của nhóm sinh vật này đã tuyệt chủng trong cuộc khủng hoảng sinh giới quy mô toàn cầu xảy ra khoảng 252 triệu năm trước (cuối kỷ Permi).
Điểm di sản san hô cổ Lang Môn còn là một trong những tọa độ ngắm hoàng hôn đẹp ở Cao Bằng mà du khách nên một lần trải nghiệm. Chiều về, khi mặt trời chuẩn bị đi ngủ, những tia nắng cuối ngày rải đều khắp thung lũng, núi đồi, vẽ nên một bức tranh nên thơ, dịu dàng. Vào mùa hè, hoàng hôn ở đây càng đẹp hơn, rực rỡ hơn.
Đến với điểm dừng chân đầu tiên – di chỉ san hô cổ Lang Môn trong tuyến tham quan phía Tây của CVĐC non nước Cao Bằng: “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” sẽ giúp du khách hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của khu vực, mang lại những cảm nhận ban đầu về giá trị địa chất riêng biệt của CVĐC non nước Cao Bằng. Cùng với đó, du khách có thể nán lại lâu hơn, thưởng thức thời khắc mặt trời đi ngủ, chụp vài bức ảnh đẹp làm kỷ niệm.
Một số hình ảnh du khách tham quan, khám phá di chỉ đại dương cổ Lang Môn:
Tác giả bài viết: Hạ An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn