Trước đây, ở Cao Bằng, muốn thưởng thức món bánh chè lam thường chỉ có trong dịp tết Nguyên đán. Nhưng ngày nay, khi ẩm thực miền non nước ngày càng chiếm được thiện cảm từ thực khách, chè lam đã trở thành một món ăn vặt đặc sản và là món quà tặng mang hình ảnh thương hiệu của ẩm thực Cao Bằng. Đến nay, Cao Bằng đã có nhiều cơ sở sản xuất bánh chè lam được du khách ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng. Bởi các cơ sở chế biến đều đưa ra những yêu cầu khắt khe từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến.
Theo chị Mỹ Trần, chủ cơ sở chế biến bánh chè lam ở xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng chia sẻ: Bánh chè lam phải được chế biến từ những nguyên liệu bản địa ngon nhất của Cao Bằng như: gạo nếp hương Xuân Trường (huyện Bảo Lạc), đường phên Phục Hòa (huyện Quảng Hòa), gừng và lạc đỏ vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng).
Sau khi lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, việc sơ chế nguyên liệu phải đảm bảo: gạo nếp được rang chín vàng rồi mang đi nổ và nghiền thành bột mịn; lạc rang chín đều không có hạt cháy; gừng đem nướng và xay cho thật nhuyễn; đối với đường cũng phải lựa chọn đường phên có màu vàng đỏ, như vậy thành phẩm tạo ra mới là ngon nhất.
Thắng đường - công đoạn đầu tiên cũng là quan trọng nhất khi chế biến món bánh chè lam. Người chế biến đem đường phên đun trong nồi gang, quấy đều để đường tan chảy, rồi mới lọc đường. Tiếp đến, đường đã lọc được đun trên bếp lửa nhỏ cho đến khi sánh mịn lại. Khi đường đạt đến đủ độ kết dính, người chế biến cho gừng đã xay nhuyễn và rắc bột gạo nếp liên tục vào hỗn hợp, quấy đều tay để bột không bị vón lại cũng không cháy xuống đáy nồi. Sau khi hỗn hợp được quấy đều đảm bảo độ mềm, mịn, dẻo và dai, người chế biến sẽ rắc lạc vào hỗn hợp và quấy đều.
Để chuẩn bị cho quá trình tạo khuôn bánh, người chế biến chuẩn bị một cái mâm đã rắc sẵn bột nếp rồi đổ chè lam nóng hổi lên đó. Lớp bột nếp có tác dụng giúp cho bánh vừa không bị dính lại vừa tạo hình được khuôn bánh. Những thỏi chè lam được phủ một lớp bột nếp như khoác lên mình chiếc áo mới trắng ngần càng thêm phần hấp dẫn đối với thực khách.
Ngoài nguyên liệu truyền thống, chè lam hiện nay còn sử dụng gấc, cây lá cẩm, hoa đậu biếc để tạo thêm nhiều màu sắc cũng như hương vị cho miếng bánh. Mỗi miếng bánh với màu sắc từ các loại hương liệu cây cỏ tự nhiên sẽ đem đến cho thực khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị về ẩm thực Cao Bằng.
Bánh chè lam là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu, trong đó có sự dẻo dẻo, dai dai của bột nếp, vị ngọt thanh của đường phên, pha thêm chút cay và thơm nhẹ của gừng, giòn bùi của lạc đỏ. Sự kết hợp đó đem đến cho chè lam một hương vị rất riêng của miền Non nước Cao Bằng.
Với hương vị đặc trưng thơm ngon riêng, bánh chè lam Cao Bằng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng thực khách khi đến với miền non nước. Đây cũng là món bánh được rất nhiều thực khách lựa chọn làm quà cho gia đình, bạn bè, người thân. Năm 2021 - 2022, bánh chè lam lọt “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn càng khẳng định chè lam xứng đáng là quà tặng đặc trưng của Cao Bằng.
Ảnh: Mỹ Trần
Tác giả bài viết: Hoài Niệm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn