Nghệ nhân Lý Văn Sinh đun bạc lên khuôn đúc cho vòng cổ. |
Trong văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Dao Đỏ, những món đồ trang sức được chế tác bằng bạc có giá trị to lớn. Không chỉ làm trang sức tạo điểm nhấn cho trang phục, làm nên nét độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Đỏ, bạc được coi như thước đo của sự giàu có, no đủ của gia đình và còn để trừ tà ma, mang lại sự may mắn tài lộc. Gia đình nào tích trữ được càng nhiều bạc thì càng được thần linh phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình sung túc, hạnh phúc đủ đầy. Đặc biệt, trang sức bạc được xem là "vật bất ly thân", bạc gắn với trang phục truyền thống của các cô gái và cũng là một trong những món của hồi môn mà bố mẹ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng… Chính vì thế, bạc mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc, được truyền từ đời này qua đời khác.
Nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ được coi là một nét đẹp truyền thống, chứa đựng tinh hoa văn hóa. Vậy nên, mỗi người nghệ nhân chạm bạc không chỉ hội tụ các tố chất khéo léo, bền bỉ, mà còn là người được thần linh phù hộ, được cộng đồng công nhận. Khác với nghề thủ công truyền thống của các dân tộc khác, người thợ bạc dân tộc Dao Đỏ thường dùng những dụng cụ khá đơn giản như: búa đập, đe gỗ, đe sắt, kéo cắt, kìm vặn, dao chạm, bàn kéo sợi, nồi đun, banh gắp,…
Các sản phẩm bạc của người Dao Đỏ vừa tinh tế vừa đa dạng về chủng loại như: vòng bạc, xà tích, khuyên tai, hoa cúc cài áo, vòng tay, những đồng tiền đánh nhỏ xâu thành từng dải trang trí trên vạt áo truyền thống. Trên các sản phẩm, những người thợ bạc thường sử dụng họa tiết, hoa văn mang hình hài, dáng dấp của tự nhiên như: mặt trời, cái búa, lưỡi liềm, con cá, hoa cỏ,… vô cùng gần gũi, có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Sẽ thật thiếu sót khi nói về vẻ độc đáo của các sản phẩm bạc đồng bào Dao Đỏ mà không nói đến nét khác biệt và nổi trội về hình khối, kiểu dáng, họa tiết hoa văn, thủ pháp xử lý sáng tối vô cùng tinh tế nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc trắng và cũng bởi sự kỳ công của người làm nghề. Bởi vậy, có thể nói người nghệ nhân phải hòa tâm hồn mình cùng từng thớ bạc trong lửa nóng hay nặng nhẹ tay theo từng nhát búa. Lửa, nước, bạc cùng con người hòa lại để tạo ra những sản phẩm thấm đẫm văn hóa dân tộc Dao Đỏ làm say đắm lòng người.
Theo các thợ bạc người Dao Đỏ, thông thường làm ra một bộ trang sức bạc mất rất nhiều thời gian bởi phải tiến hành nhiều công đoạn như: Đun chảy bạc để tạo khuôn, tạo hình sản phẩm, sau đó ghép các chi tiết tạo ra sản phẩm dáng thô và chạm trổ các chi tiết hoa văn phù hợp. Phải mất 1 tháng để làm được một bộ trang sức; mất từ 2 - 3 ngày để làm ra một chiếc vòng cổ cho phụ nữ; mất 5 - 7 ngày để làm ra một bộ hoa cúc cài áo khoảng 150 chiếc; mất từ 1 - 2 ngày để làm ra các món trang sức như vòng tay, hoa tai, nhẫn; mất khoảng từ 7 - 10 ngày để làm một bộ xà tích - đây là món trang sức tinh xảo và đặc biệt kỳ công nhất.
Bén duyên với nghiệp của mình từ khi là cậu bé, chăm chỉ học hỏi kế thừa di sản của cha ông và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau, nghệ nhân Lý Văn Sinh có bàn tay chạm khắc bạc tài hoa nhất vùng và là người luôn trăn trở giữ nghề, suy tư để cùng các gia đình trong xóm bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống do ông cha để lại. Vừa tỉ mỉ, điêu luyện chạm khắc từng nét hoa văn trên chiếc vòng bạc, vừa vui vẻ trò chuyện cùng mọi người, nghệ nhân Lý Văn Sinh cho biết: Hơn 20 năm làm nghề chạm khắc bạc, trong mỗi sản phẩm bạc tôi gửi gắm cả tâm hồn mình và chứa cả niềm vui, nỗi buồn của người thợ bạc. Nghề chạm khắc bạc rất khó bởi làm hoàn toàn thủ công bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo, tính thẩm mỹ cao, tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ nung lửa đỏ, kéo bạc rồi chạm khắc hoa văn. Bên cạnh năng khiếu, người làm cần có tính kiên trì cao, cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc đặc biệt phải thực sự yêu nghề, đam mê mới có thể làm được.
Không chỉ nghệ nhân Lý Văn Sinh, hộ gia đình Lý Hồ Nhim cũng đam mê với nghề và đã có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống này. Chị Nhim chia sẻ: Dù trang sức hiện đại ngày càng phát triển, đạt đến mức độ tinh xảo, nhưng những món trang sức bằng bạc thủ công của đồng bào dân tộc Dao đỏ nói chung vẫn có sức hút kỳ lạ, từng nét chạm khắc có vẻ đơn giản nhưng lại mang nét phóng khoáng, độc đáo và tỉ mỉ. Bởi vì truyền thống vốn có, người Dao Đỏ vẫn "đỏ lửa giữ nghề", kiên trì duy trì nghề chạm khắc bạc của mình và ưa chuộng chính những sản phẩm do mình làm ra. Các sản phẩm hoàn thiện được bán tại chợ phiên hoặc làm theo ý khách hàng đặt, qua đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Theo tìm hiểu, số thợ bạc làm nghề trong vùng hiện không còn nhiều do thu nhập không ổn định; mất nhiều thời gian và công sức nên nhiều thợ bạc chuyển đổi sang làm việc khác. Trên thực tế, các thợ bạc tại thôn Lũng Chang đang duy trì ở mức nhỏ lẻ tùy thuộc vào tiềm lực và nguồn vốn của mỗi gia đình. Các hộ dân nơi đây thường sử dụng một phần không gian nhà ở để làm nơi sản xuất. Các thợ bạc chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là từ gia đình truyền lại sự sáng tạo riêng của từng người.
Khó khăn lớn nhất trong phát triển nghề chạm khắc bạc tại địa phương là các thợ bạc ít được tiếp cận thông tin nhiều về thị trường, mẫu mã kém đa dạng, chủ yếu là truyền thống dập khuôn… Cho nên, sản phẩm làm ra chưa gây dựng được thương hiệu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những người thợ chạm khắc bạc nơi đây mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện được đến các tỉnh phát triển nghề chạm khắc bạc để tham quan, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Từ đó phát triển sản phẩm địa phương vươn xa hơn, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn