Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) là làng nghề duy nhất còn nguyên bản về kỹ thuật, công cụ dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Đây là một trong những điểm di sản văn hóa nằm trên tuyến phía Bắc trong "Hành trình về nguồn cội" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận. Nơi đây, hiện còn gần 30 khung cửi của các gia đình dân tộc Tày.
Trong làng nghề có cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nông Thị Thược có 4 đời theo nghề dệt thổ cẩm. Cơ sở sản xuất đã được công nhận là một trong những điểm đến của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam" năm 2016. Bà Nông Thị Thược cho biết: Từ các màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen, người dệt đã pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Họa tiết trên tấm vải thổ cẩm là các loài hoa, chim muông, thú quý... Đây là nét riêng tạo nên bản sắc cho thổ cẩm của người Tày Cao Bằng. Ngày nay, các sản phẩm thổ cẩm vẫn được dùng trong đời sống tâm linh như: những tấm trướng che bàn thờ, một số chi tiết cấu thành tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của thầy cúng… Trong quá trình dệt, tôi sáng tạo thêm các họa tiết có phong cách riêng, nhưng vẫn giữ nét truyền thống của dệt thổ cẩm Luống Nọi. Nhiều lúc đi làm đồng, nghĩ ra họa tiết gì đó hay hay, tôi về dệt ngay, thường thì tôi không phác họa ra giấy, tất cả đã có ở trong đầu rồi.
Mẫu thổ cẩm của đồng bào Tày có hơn 20 loại hoa văn, họa tiết khác nhau như: hoa lê, hoa mận, hoa đào, hoa mai và các loại hoa lạ trong rừng chỉ có ở miền núi (bjoóc chắm, bjoóc kíp, bjoóc tròn, bjoóc pắt…). Một số muông thú hươu, nai, ngựa, chim, bướm… cũng được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm của người Tày.
Kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày bao gồm các công đoạn quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ. Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Tày là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hoa văn. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo trên nền chủ đạo là màu trắng đục, tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa truyền thống Tày, khiến ta khó có thể nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác.
Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Tày ở Cao Bằng không phải dệt từ mặt phải và là tạo hoa văn trên mặt trái. Khi họ giăng những que tre trên khung cửi là họ đã lập trình sẵn sẽ đưa sợi vải vào và con thoi đưa qua, đưa lại. Mỗi lần chỉ tạo được 1 hoa văn. Nếu muốn tạo 1 hoa văn khác thì sẽ phải lập trình lại từ đầu. Từ những tấm thổ cẩm do mình tự tạo, người phụ nữ may mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc. Công cụ máy móc để dệt ra sản phẩm hoàn toàn bằng tre gỗ tự nhiên vô cùng thô sơ do chính người dân tạo ra. Khi tạo hoa văn, tất cả được lập trình đã có trong bộ óc của người nghệ nhân, họ nghĩ ra như nào thì dệt ra sản phẩm như vậy chứ hoàn toàn không có mẫu có sẵn.
Nghệ nhân Nông Thị Thược chia sẻ thêm: Dệt hoàn toàn thủ công, nếu một tấm vải 40 cm x 120 cm, tôi bán cho khách nước ngoài tầm 6 triệu đồng. Một tháng nếu làm chăm chỉ, tôi có thể dệt được 3 tấm. Giờ sản phẩm làm ra không đủ cầu, khách khắp nơi đặt như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và vài năm trở lại đây, khách du lịch các nước: Bỉ, Anh, Pháp, Đức... cũng đến đặt hàng, mỗi lần đặt từ vài chục chiếc trở lên. Họ thích thổ cẩm Tày bởi họa tiết nổi bật, nhiều người đặt hàng tôi để may áo dài, chăn, ga, gối. Ở đây, những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nào cũng có 1,2 khung dệt vải, con gái trong xóm đều phải học và biết dệt để tự tay dệt quần áo, mặt địu, vỏ chăn, gối... sử dụng trong gia đình, làm của hồi môn hoặc đem bán tại các chợ phiên trong tỉnh.
Từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người phụ nữ Tày đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm sắc màu sặc sỡ, hoa văn đẹp. Nghề dệt truyền thống vẫn luôn được đồng bào nơi đây lưu giữ và phát huy. Ngày nay, sự phát triển kinh tế thị trường, nghề trồng bông dệt vải của đồng bào người Tày đã bị mai một, người dân chủ yếu mua vải dệt công nghiệp về dùng. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh và người dân địa phương trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt ở xóm Luống Nọi nhiều hộ vẫn còn duy trì, giữ nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch tạo nên điểm độc đáo thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn