Phúc Sen - điểm sáng du lịch tại tỉnh Cao Bằng

Thứ năm - 29/09/2022 07:05
Phúc Sen được biết đến là một trong những xã đi đầu của tỉnh Cao Bằng về phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Chính nhờ Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” của Đảng uỷ xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng) - một Nghị quyết hơn 20 năm soi đường giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển du lịch địa phương, phấn đấu đưa Phúc Sen thành xã NTM kiểu mẫu mang bản sắc đặc trưng dân tộc Nùng An, điểm đến hấp dẫn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Anh 1


Có nghị quyết soi đường…

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến với xã Phúc Sen là nhịp sống vùng nông thôn “cận lộ” Quốc lộ 3 gắn với giao thương sôi động. Dọc theo con đường bêtông nối trung tâm xã với các xóm bản, hàng trăm cửa hàng san sát bán các mặt hàng nông sản, sản phẩm rèn, vải chàm, chè chất lượng cao…

Trò chuyện với anh Nông Hùng Quốc - Bí thư Chi bộ xóm Phja Chang, anh chia sẻ: Phúc Sennhững năm 2000 là“vùng đất khó”,địa hình của xã cơ bản là đồi núi, đất canh tác ít lại thiếu nước sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm hơn 40%.Từ khi Đảng bộ xã Phúc Sen triển khai Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 03/3/2001 về “Ba nhiều”, vận động nhân dân thực hiện trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề, bà con xóm Phja Chang nói riêng và nhân dân Phúc Sen bắt đầu vươn dậy, đổi mới, không chỉ thoát nghèo mà ngày càng khấm khá hơn.

Anh 2
Nghề rèn ở xã Phúc Sen, Quảng Hoà, Cao Bằng có lịch sử hơn 300 năm

Với phương châm “Ba nhiều”: trồng nhiều cây, nuôi nhiều con, làm nhiều nghề, tuỳ theo điều kiện gia đình, thôn, bản để lựa chọn cho phù hợp, nhân dân Phúc Sen hồ hởi thi đua làm kinh tế mới theo Nghị quyết của Đảng. Bà con chủ động học hỏi,trồng nhiều loại cây thâm canh, tăng vụ, kết hợp chăn nuôi nhiều con, làm nhiều nghề. Một năm trồng 2 vụ ngô, 1 vụ lúa mùa. Đồng thời,trồng thêm khoai, đỗ, lạc, rau màu xen canh để giữ ẩm và tạo màu cho đất, tăng năng suất. Nhiều sản phẩm của nghề rèn, rau màu, vải chàm, hương… đã mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phương châm “một hộ làm ba nhiều” đã góp phần tạo việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định cho lực lượng lao động ở xã. Chị Nông Thị Hồng Chiêm, cửa hàng dao Minh Tuấn (Phúc Sen) cho biết: Sau khi học xong chuyên nghiệp, tôi phụ giúp bố mẹ tại xưởng rèn và cửa hàng. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, cửa hàng dao Minh Tuấn được mang sản phẩm đi quảng bá tại các hội chợ ngoài tỉnh như: Hạ Long,Thái Nguyên,Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Nội… Nhân dân, du khách các địa phương đánh giá cao sản phẩm của cửa hàng.

Với những nỗ lực của Đảng ủy, Chính quyền, nhân dân, nơi đây còn được biết đến với tên gọi “vùng quê đất không nghỉ”, nhà nhà tập trung sản xuất, đua nhau áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ 4.0, tiêu thụ nông sản không chỉ qua giao thương truyền thống mà còn qua các trang mạng xã hội; bán sản phẩm với uy tín thương hiệu, đạt chuẩn OCOP…
…Từng bước xây dựng xã NTM kiểu mẫu phát triển du lịch, dịch vụ

Cuối năm 2020, thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, xã Phúc Sen sáp nhập với xã Quốc Dân với 1.000 hộ, trên 97% là dân tộc Nùng An. Đây cũng là xã thuần nông có nghề làm giấy bản, hương thơm và nhiều giá trị văn hóa dân tộc Nùng An vẫn được truyền giữlà điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề thủ công kết hợp du lịch cộng đồng.

Anh 3
Phát triển du lịch tại làng hương Phja Thắp (Ảnh: Bùi Hoài)

Qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, Nghị quyết “Ba nhiều” được Đảng uỷ xã Phúc Sen rút kinh nghiệm, làm mới cách thức triển khai cho phù hợp. Tại Đại hội Đảng bộ xã Phúc Sen lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng”. Với mục tiêu mới“ba nhiều”: nhiều lượng - nhiều chất - nhiều giá trị; “ba cùng”: cùng lượng - cùng chất - cùng làm, Phúc Sen tiếp tục xây dựng các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nghề truyền thống có thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra trên thị trường; gắn thành tựu “ba nhiều” với văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Nùng An, xây dựng NTM kiểu mẫu, trở thành điểm hấp dẫn du lịch cộng đồng trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Anh 4
Những nếp nhà sàn mái ngói âm dương truyền thống vẫn được bà con lưu giữ

Định hướng mới của Nghị quyết “Ba nhiều, ba cùng” đã bắt nhịp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn xanh bền vững, giàu bản sắc dân tộc.Đồng chí Đàm Đình Đạo - Bí thư Đảng ủy cho biết: Để Nghị quyết đi vào đời sống cụ thể, thiết thực, Đảng ủy xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, các tổ chức đoàn thể. Nhiệm vụ trước mắt là chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, phát triển mạnh hợp tác xã kiểu mẫu để người nông dân sản xuất cây trồng, vật nuôi chất lượng cao theo nhu cầu thị trường, kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Theo mục tiêu xây dựng thương hiệu “kinh tế xanh”, trên 70% hộ dân sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ.Các năm 2019-2021, xã có trên 50.000 lượt người đến trải nghiệm du lịch cộng đồng; 4 sản phẩm đạt thương hiệu OCOP, gồm: Sản phẩm nghề rèn thủ công “Dao Minh Tuấn”, “Dao Nông Sơn Phúc Sen”, “Củ cải Phúc Sen” đạt 3 sao cấp tỉnh; sản phẩm “Homestay Mr. Kim” đạt  2 sao cấp huyện về du lịch cộng đồng.

Chị Đặng Thị Phượng (xóm Lũng Sâu) phấn khởi cho biết: Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng cung đường Trekking trên lưng ngựa, lấy Lũng Sâu làm điểm kết chuỗi 4 điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm những bản làng mang văn hóa dân tộc Nùng An: lànghương Phja Thắp, đồi chè và rừng cây ăn quả Lũng Sâu, làng rèn Pác Rằng, lànglàm giấy bản Rìa Trên. Tin tưởng vào con đường Đảng ủy đã chọn, bà con xóm Lũng Sâu chúng tôi hăng hái trồng chè, mơ, mận, cây ăn quả, nuôi thêm nhiều ngựa, mỗi nhà ít nhất một con để phát triển du lịch xã nhà trong thời gian tới.

Anh 5
Xây dựng sản phẩm chè Lũng Sâu và cung đường Trekking trên lưng ngựa
Anh 7
Xây dựng sản phẩm chè Lũng Sâu và cung đường Trekking trên lưng ngựa

Đảng bộ, chính quyền xã đẩy mạnh khuyến khích bà con nâng cao tiêu chí chất lượng sản phẩm, hướng tới đạt chuẩn nông sản địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Riêng với sản phẩm rèn, từ năm 2011 đến nay, sản phẩm rèn của Phúc Sen được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chọn tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, phiên chợ hàng Việt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không chỉ tập trung vào phát triển nông sản, làng nghề, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc Sen còn tuyên truyền bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Nùng An, hướng tới xây dựng xã Phúc Sen thành Trung tâm văn hóa dân tộc Nùng An của tỉnh Cao Bằng. Bởi thế, nhân dân Phúc Sen vẫn lưu truyền nhiều bản sắc văn hóa: nhuộm vải chàm, mặc trang phục truyền thống, giữ nếp nhà sàn mái ngói âm dương, làm nghề rèn, làm hương, giấy bản, lễ hội Thanh Minh… Hiện, xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ dân ca, dân vũ, 11/11 xóm có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Nhờ lưu giữ nét văn hóa bản địa đặc sắc, nơi đây đã hình thành nên các điểm du lịch cộng đồng mang đặc trưng riêng như: bản Pác Rằng, Dìa Trên, Phja Thắp,…

Anh 7
Bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ

Đến nay, cả 11 xóm trong xã đều đã thực hiện nuôi, trồng nhiều cây, con phù hợp với lợi thế gia đình; 4 xóm làm nghề rèn, 2 xóm làm giấy bản, 1 xóm làm hương, 2 xóm có bản du lịch cộng đồng, cả 11 xóm làm nghề đan lát, nhuộm vải chàm, hợp tác xã và dịch vụ…Phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch nông nghiệp, du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa, xã Phúc Sen đã và đang thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa bản địa dân tộc Nùng An, tin tưởng Phúc Sen sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ khi du khách đến khám phá tuyến trải nghiệm phía Đông - xứ sở thần tiên của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tác giả bài viết: Hồng Son

 Từ khóa: du lich cao bang, Phuc Sen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây