Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong

Thứ ba - 25/06/2024 14:49
Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, với tổng diện tích 4.338 m2 tọa lạc tại tổ 8, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tham quan, học tập.
z5569399762917 13d25d6beb937dccecf4e835c62f0ae6
Toàn cảnh Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong.

Năm 1988, di tích lịch sử Hoàng Đình Giong được công nhận di tích quốc gia. Mới đây, vào ngày 01/4/2024, công trình Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được tu bổ, tôn tạo hoàn thiện, xứng tầm với vai trò, công lao nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Công trình với kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn của văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Khuôn viên của Di tích gồm các hạng mục: Tượng đồng chí Hoàng Đình Giong; Khu nhà lưu niệm; Nhà trưng bày; Nhà đón tiếp khách và hệ thống đèn điện chiếu sáng, cây xanh làm tăng tính thẩm mỹ cho công trình.

z5569456512704 f6dce1dd9adc9fac4c2f775c4f576e3c
Du khách thực hiện nghi lễ dâng hương và báo công tại Khu nhà lưu niệm của đồng chí Hoàng Đình Giong.
z5533848510397 8b9269f02cc50a4fe0159af8f80b058d
Du khách đến tham quan, tìm hiểu về thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong.
z5569456528716 3c12bde028b07bd3089163e79c8cbb1a
 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Bức phù điêu thể hiện hình ảnh khối đại đoàn kết đồng chí Hoàng Đình Giong với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng thuộc Nhà trưng bày của đồng chí Hoàng Đình Giong.

Đồng chí Hoàng Đình Giong hay còn được biết đến với bí danh như: Hoàng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh..., là người đồng bào dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, châu Hòa An, năm 1912 chuyển sang làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng).

Ngay từ thủa nhỏ, đồng chí Hoàng Đình Giong đã sớm có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, điều này thể hiện rõ qua các bài luận trong những năm học tại trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Bằng. Cuối năm 1925, được tin trường Bách Nghệ (Hà Nội) mở kỳ thi tuyển học sinh vào học nghề, đồng chí đã dự thi và đỗ ở thứ hạng cao. Tại Hà Nội, đồng chí đã hăng hái tham gia các phong trào như: Bãi khóa của học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu; Lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh...

Sau một thời gian hoạt động tại Hà Nội, đồng chí trở lại Cao Bằng và tiếp tục các hoạt động tuyên truyền chống thực dân Pháp. Đến tháng 5/1928 đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Sau đó một năm, tháng 12/1929 đồng chí Hoàng Đình Giong cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng Sản Đảng và thành lập chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên ở vùng miền núi Cao - Lạng. Với tư cách là Bí thư chi bộ, đồng chí được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn.

Với tầm nhìn của một người chiến sĩ cách mạng, vào ngày 01/4/1930, đồng chí đã chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Cao Bằng, tại khe suối Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, gồm 03 đồng chí: Hoàng Văn Nọn, Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô (đồng chí Hoàng Văn Nọn được bầu làm Bí thư chi bộ). Ngay từ lúc thành lập Chi bộ đã thực hiện chức năng của Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh.

Giai đoạn những năm 1932 - 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong giữ vai trò “con thoi” chỉ đạo và hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh và nước ngoài. Với thành tích xuất sắc, đồng chí được dẫn đầu đoàn đại biểu xứ ủy Bắc Kỳ đi dự Đại hội Lần thứ nhất của Đảng Cộng Sản Đông Dương tại Ma Cao, Trung Quốc. Tháng 3/1935, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 8/1945, đồng chí được cử làm Trưởng ban Khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức, giao nhiệm vụ Chỉ huy đoàn quân Nam tiến vào Nam Bộ chiến đấu, chống thực dân Pháp. Trong thời gian hoạt động phong trào Nam Tiến, đồng chí trải qua các cương vị: Chính ủy quân giải phóng Nam Bộ; Khu Bộ trưởng Khu 9; Khu Bộ trưởng Khu 6. Năm 1947, đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.

z5569399763229 e6dce128075f91e869368edbaf024bf9
Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong là một trong những điểm di sản thuộc tuyến “Một thời hoa lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
z5569399771747 a3e324d3590506fc2c1b8dee4af1a164
Đông đảo nhân dân và du khách đến dâng hương và bày tỏ lòng thành kính đối với đồng chí Hoàng Đình Giong.

Với những cống hiến và đóng góp to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1988, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong Huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Hoàng Đình Giong.

Có thể nói, Di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong và góp phần tuyên truyền giáo dục về lịch sử, truyền thống của địa phương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Cao Bằng. Với những ý nghĩa đó, các chi bộ Đảng, đoàn thể thường xuyên đến đây tổ chức báo công, tuyên dương và tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây