Quy hoạch đưa ra mục tiêu năm 2025 Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. Định hướng phát triển thị trường; sản phẩm; tổ chức không gian; đầu tư phát triển; tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo đó, quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 06 vùng, 03 cực tăng trưởng, 08 khu vực động lực, 05 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Định hướng phát triển và liên kết phát triển du lịch theo các vùng kinh tế - xã hội. Tỉnh Cao Bằng thuộc vùng Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, bản sắc văn hóa độc đáo đa dạng của các cộng đồng các dân tộc. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch về nguồn; du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử, du lịch trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái núi, sinh thái hồ; tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Sơn La - Yên Bái; Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang; Lào Cai - Phú Thọ - Yên Bái; Cao Bằng - Lạng Sơn; Thái Nguyên - Tuyên Quang. Liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, với Trung Quốc và CHDCND Lào theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc (hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội). Thủ đô Hà Nội là Cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực phía Bắc, đóng vai trò cửa ngõ và trung tâm phân phối khách cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
Ngoài các Khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận, tiếp tục quy hoạch 61 địa điểm tiềm năng để định hướng đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất thúc đẩy phát triển thành Khu du lịch quốc gia trong đó có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Theo dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được lựa chọn cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch quốc gia còn yếu, còn thiếu để được công nhận là Khu du lịch quốc gia trong giai đoạn 2030-2045.
Quy hoạch đưa ra các giải pháp thực hiện về: cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý hoạt động du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; đầu tư thu hút nguồn lực; phát triển thị trường, sản phẩm; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…
Chi tiết Quyết định tại đây.
Tác giả bài viết: Dương Loan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn