Có thể nói, năng lực cạnh tranh của điểm đến Cao Bằng được cấu thành từ 9 yếu tố, gồm: Tài nguyên du lịch; Giá cả; Hình ảnh điểm đến; Sản phẩm du lịch; Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Quản lý điểm đến; Nguồn nhân lực du lịch; Sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương; Doanh nghiệp du lịch.
* Tài nguyên du lịch
Đây được xem là yếu tố quan trọng trong những yếu tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh của điểm đến Cao Bằng. Bởi Cao Bằng có những đặc trưng về đa dạng văn hóa, đa dạng tự nhiên và đa dạng sinh học thuận lợi để phát triển du lịch.
Trong đó có những giá trị nổi bật như: thác Bản Giốc được vinh danh là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới; động Ngườm Ngao; hồ Thang Hen; Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén đặc trưng với hệ sinh thái rừng rêu; khu bảo tồn Vượn Cao Vít Trùng Khánh và cac hang động chủ yếu hình thành trong các đá vôi Devon, có tuổi đời hàng trăm triệu năm.
Toàn tỉnh có hơn 200 di tích với 98 di tích đã được xếp hạng, gồm có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 70 di tích cấp tỉnh. Thêm nữa, Cao Bằng còn có 02 bảo vật quốc gia: Đôi chuông tại Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều (xã Hưng Đạo, Thành phố) và Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ (xã Hồng Việt, Hòa An); 04 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghi lễ Then của người Tày ở Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen; Lễ hội Tranh đầu pháo, Thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa) ... từ đó đã tạo nên một bức tranh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan.
Ẩm thực Cao Bằng rất đa dạng với các món ăn mang đạm hương vị của đồng bào các dân tộc như: lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt cuốn lá mác mật, xôi trứng kiến, thạch đen, thạch trắng, bánh nướng, khẩu sli, rượu Đinh Đông... ; nhiều món ăn lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam như: bánh trôi, xôi Trám, bánh Cuốn, bánh Áp chao, ... ; bánh Chè Lam, miến Dong đen Phja Đén được chọn vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều nghề thủ công truyền thống thuận lợi phát triển du lịch làng nghề như: nghề làm hương, nghề làm ngói, nghề dệt vải thổ cẩm, nghề chạm bạc, nghề làm giấy, nghề rèn dao, nghề làm đường,..
* Giá cả
Là một trong những lợi thế cạnh tranh cho điểm đến Cao Bằng. Chi phí tại Cao Bằng dành cho các dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, vé tham quan, đồ lưu niệm,… có giá thành thấp hơn so với một số địa phương nhưng chất lượng lại tương đồng với các tỉnh thành khác. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có chính sách ưu đãi về giá một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của du khách.
* Hình ảnh điểm đến
Cao Bằng được xây dụng hình ảnh là “miền non nước Cao Bằng” với sơn thủy hữu tình, thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều danh thắng kỳ thú; gắn với “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng”, điểm di sản mang giá trị toàn cầu đã và đang dần khẳng định vị thế trên trường khu vực và thế giới, từng được vinh danh là vùng xanh lâu nhất và duy nhất của cả nước;
Bên cạnh đó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - mảnh đất được Bác Hồ chọn làm nơi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước và xây dựng phong trào cách mạng đã trở thành “địa chỉ đỏ” đưa du khách trở về với cội nguồn cách mạng.
* Sản phẩm du lịch
Với các loại hình: du lịch sinh thái; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch cảnh quan thiên nhiên; du lịch nông nghiệp; du lịch làng nghề; du lịch lễ hội; ... đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến du lịch Cao Bằng. Trong đó, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cảnh quan thiên nhiên là hai sản phẩm cốt lõi.
Sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa chủ yếu tập trung vào điểm đến là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Đến đây, du khách ngoài được tham quan di tích còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian của người dân địa phương tại khu sân trung tâm; tổ chức các hoạt động dâng hương, báo công, kết nạp Đảng viên tại mảnh đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc; hòa cùng cuộc sống của người dân bản địa tại homestay trong làng Pác Bó; …
Sản phẩm du lịch cảnh quan thiên nhiên đặc trưng là tham quan khu du lịch thác Bản Giốc. Bên cạnh đó, du khách còn khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo tại làng đá Khuổi Ky - làng Tày cổ sát biên giới; chiêm ngưỡng, khám phá động Ngườm Ngao và nhánh du lịch mạo hiểm Bản Thuôn; trải nghiệm dịch vụ dù lượn, đi thuyền kayak, đi bè thong dong ngắm cảnh dòng sông Quây Sơn, cưỡi ngựa ngắm miền biên viễn, đạp xe dọc biên giới, leo núi ngắm cảnh quan Phong Nặm.
Ngoài hai sản phẩm du lịch đã làm nên thương hiệu của điểm đến, Cao Bằng còn nổi tiếng với rất nhiều nông sản đặc trưng như: các loại rau rừng, thạch trắng, thạch đen, quýt Trà Lĩnh, lê Đông Khê, hạt dẻ Trùng Khánh… đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp.
Thêm nữa là các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống như: làng rèn, làng hương, làng ngói, làng sản xuất giấy bản,… hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm khó phai cho du khách.
* Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển, hệ thống vui chơi giải trí, mua sắm và các cơ sở dịch vụ khác được đánh giá khá tốt và phù hợp đặc điểm vùng miền và cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, về mảng lưu trú, theo số liệu thống kê các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Cao Bằng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tính đến tháng 6 năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 296 cơ sở lưu trú du lịch, gồm: 01 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 20 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 64 cơ sở đạt tiêu chuẩn 01 sao, còn lại là các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn. Trong đó, có khoảng 10 homestay mang đậm bản sắc văn hóa bản địa được du khách yêu thích. Các cơ sở lưu trú với hệ thống dịch vụ tiện ích và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chu đáo.
* Quản lý điểm đến
Được xem xét ở ba khía cạnh chính đó là: Vệ sinh môi trường; An ninh trật tự xã hội; Tiếp nhận và giải quyết hợp lý các kiến nghị từ du khách. Để thực hiện tốt việc quản lý điểm đến, ngành du lịch Cao Bằng đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về chất lượng và số lượng; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch Cao Bằng dựa trên nền tảng số.
Việc quản lý điểm đến giúp cung cấp các thông tin chính xác phục vụ công tác hoạch định chính sách nhằm phát triển du lịch; giải quyết các tố cáo, khiếu nại của doanh nghiệp, khách du lịch và người dân địa phương; kiểm soát tình hình thực hiện các quy hoạch; thanh kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm quy định, trốn thuế,…
* Nguồn nhân lực du lịch
HIện nay, nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.800 lao động gồm cả trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, có 1.612 lao động tham gia trực tiếp vào lĩnh vực du lịch, đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, nhiều nhất vẫn là các lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, số còn lại làm việc tại các cơ sở dịch vụ khác. Mặc dù nguồn lao động địa phương trẻ, dồi dào có đầy đủ các phẩm chất tư cách đạo đức chuẩn mực nhưng còn hạn chế về trình độ chuyên môn sâu của nghiệp vụ du lịch.
* Sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương
Do công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được các cấp chính quyền đẩy mạnh nên người dân địa phương luôn có ý thức và tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, bằng nụ cười thân thiện, sự cởi mở, lòng hiếu khách họ luôn sẵn sàng chia sẻ đến du khách những thông tin, sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần từ đó mang đến những trải nghiệm thú vị và không thể nào quên cho du khách.
* Doanh nghiệp du lịch
Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đúng với quảng cáo; luôn tìm hiểu hỗ trợ các thông tin khi du khách có yêu cầu; bán các sản phẩm đúng với chất lượng và giá cả niêm yết; không chặt chém, không gây phiền hà khó chịu cho du khách. Cam kết đưa đến cho du khách những trải nghiệm hoàn hảo nhất. Các doanh nghiệp du lịch Cao Bằng đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua Hiệp hội du lịch tỉnh để cung cấp cho du khách những sản phẩm dịch vụ hoàn hảo nhất.
Các yếu tố trên đã cấu thành năng lực cạnh tranh điểm đến Cao Bằng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn