Không ai biết bánh khẩu sli có từ bao giờ, nhưng với nhiều người già ở xóm Nà Giàng, xã Phù Ngọc (Hà Quảng), từ nhỏ họ đã thấy bố mẹ thường làm khẩu sli để ăn trong dịp lễ, tết.
Khẩu sli truyền thống thường có hình dáng to bằng viên gạch, lớp trên là lạc màu nâu đỏ bóng mượt, lớp dưới là bỏng gạo mịn màng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, dẻo lại có vị ngọt của đường phên, vị thơm của bỏng gạo và vị bùi của lạc khiến cho nhiều du khách ăn một miếng mà vấn vương mãi cái hương vị lạ lẫm đó.
Nguyên liệu chính tạo nên bánh khẩu sli là gạo nếp, lạc, vừng và đường phên, tất cả đều là những nguyên liệu sẵn có của địa phương. Để làm bánh, khâu đầu tiên là chọn gạo nếp ngon, đãi sạch, ngâm gạo khoảng 8 giờ rồi đồ chín thành xôi. Để xôi nguội, trộn với bột sắn, bột gạo hay bột ngô để hạt xôi tơi ra, không dính vào nhau. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng nếu vò xôi không kỹ thì hạt xôi sẽ dính vào nhau, bánh không đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ.
Tiếp đó, đem xôi vò xong đi phơi nắng cho se lại rồi giã cho hạt xôi dẹt lại. Do giã thủ công nên mỗi hộ mỗi ngày chỉ giã trung bình được 5 - 10 kg gạo. Đem xôi đã giã rang trên chảo lửa, đảo đều tay cho những hạt xôi nở đều, giòn bung màu hơi vàng là có thể xúc ra. Tiếp đó đến khâu thắng đường. Đường làm bánh phải là đường phên Phục Hòa. Đem đường vào chảo đun lên cho đường tan ra, khi đường sánh đặc màu vàng mật thì nhanh tay đổ bỏng gạo vào rồi đảo đều tay để đường và bỏng quyện đều nhau. Hạt bỏng được thứ mật đường bám vào có một màu vàng óng đẹp mắt. Nhanh tay đổ hỗn hợp bỏng trộn đường ra khuôn gỗ vuông, dàn đều, dùng chai thủy tinh cán qua cán lại, nén cho thật chặt để tạo độ kết dính. Đổ lên trên lớp bánh một lớp lạc đã rang, những hạt lạc sẽ được mật đường dính chặt lại, tạo một tầng màu nâu đỏ phủ lên trên trông rất đẹp mắt. Dùng dao cắt bánh theo kích cỡ ở khuôn bánh, mỗi phong to bằng viên gạch nhưng khi ăn có thể bẻ thành từng miếng nhỏ để ăn. Ngoài bánh rải lạc rang để vỏ còn có thêm loại bánh rải lạc bóc vỏ trộn với vừng (ngà hoóc).
Để bánh nguội thì gói bánh bằng túi nilon để bảo quản, bánh có thể sử dụng được trong vài tháng nếu để nơi thoáng mát. Khi thưởng thức, miếng bánh giòn tan trong miệng hòa quyện cùng với vị bùi của lạc, vừng cùng vị ngọt của đường phên tạo nên một hương vị khó quên, nhâm nhi miếng bánh cùng với chén chè xanh rất hợp trong những ngày đông lạnh giá.
Với người dân Cao Bằng, khẩu sli từ bao đời nay đã thật sự trở thành một loại bánh truyền thống, dân dã mà ai cũng có thể mua về làm quà, mời khách khi đến nhà. Ngày Tết truyền thống, cùng với bánh chưng, bánh khảo thì không thể thiếu vài phong bánh khẩu sli trên bàn thờ tổ tiên. Bánh khẩu sli ngày nay đã trở thành đặc sản của Cao Bằng, du khách thập phương đến Cao Bằng khi về không quên chọn mua vài phong khẩu sli đem làm quà cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức.
Nguồn: baocaobang.vn