Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - điểm đến của khách du lịch khi đến Cao Bằng. |
Địa hình Cao Bằng chia cắt phức tạp bởi nhiều dãy núi cao, xen kẽ là những sông suối, thung lũng hẹp, độ dốc lớn với vùng núi chiếm 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cao Bằng có khí hậu ôn đới, một số vùng núi cao, như: Trùng Khánh, Nguyên Bình về mùa đông có tuyết rơi. Trên địa bàn tỉnh, hệ thống sông suối tương đối phong phú, là điều kiện thuận lợi xây dựng nguồn thủy điện dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, còn có các tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới, phát triển nhiều loại vật nuôi, cây trồng đa dạng.
Cao Bằng có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Về tài nguyên đất, hiện toàn tỉnh có khoảng 140.942 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên. Phần lớn đất được sử dụng để phát triển cây hàng năm, chủ yếu là cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp còn ít. Hiệu quả sử dụng đất còn thấp, hệ số sử dụng đất mới đạt khoảng 1,3 lần. Đất có khả năng phát triển lâm nghiệp có khoảng 408.705 ha, chiếm 61,1% diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên khoảng 248.148 ha, rừng trồng 14.448 ha, còn lại là đất trống, đồi núi trọc. Với phương thức nông, lâm kết hợp căn cứ độ dốc và tầng đất mặt đối với diện tích đất trống đồi núi trọc có thể trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản và chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng theo mô hình trang trại. Các loại đất chuyên dùng, đất xây dựng khu công nghiệp, đất xây dựng đô thị và đất xây dựng khác còn nhiều.
Về tài nguyên rừng, hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng nghèo, rừng non mới tái sinh, rừng trồng và rừng vầu nên trữ lượng gỗ ít. Rừng tự nhiên còn một số gỗ quý như: nghiến, sến, tô mộc, lát nhưng không còn nhiều, dưới tán rừng còn có một số loài đặc sản quý như: sa nhân, bạch truật, ba kích, hà thủ ô và một số loài thú quý hiếm như: gấu, hươu, nai và một số loài chim… Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 3 đề án: Phát triển vùng rau an toàn giai đoạn 2017 - 2020; Nghiên cứu một số mô hình phát triển kinh tế rừng gắn với trồng rừng và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020; Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng, đặc biệt là các sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình, theo phương thức lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Về tài nguyên khoáng sản, theo tài liệu địa chất, trên địa bàn của tỉnh có khoảng 199 mỏ và điểm mỏ, khai thác nhiều loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác ở các huyện và thành phố Cao Bằng. Trong các loại khoáng sản khai thác, quặng sắt có trữ lượng từ 50 - 70 triệu tấn, quặng Mangan khoảng 6 - 7 triệu tấn, quặng Bauxit nhôm 200 triệu tấn. Ngoài ra, còn có các loại khoáng sản quí như: vàng, thiếc, vôn-fram, chì, kẽm, u ran, ang-ti-mon... có tiềm năng khá, giá trị kinh tế cao đã và đang được khai thác.
Hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng của tỉnh, như: Thác Bản Giốc - chùa Phật tích Trúc Lâm - động Ngườm Ngao; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, Khu du lịch sinh thái Hồ Thang Hen; Các khu, điểm du lịch động Giộc Đâư; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình)... Đặc biệt UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đây là bước đột phá trong phát triển du lịch hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý tổng thể đa dạng tài nguyên, giá trị di sản.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ, với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN. Hiện nay, Cao Bằng có Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cặp cửa khẩu chính (song phương): Cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) và nhiều cặp cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng nông sản qua các cửa khẩu của Cao Bằng.
Trong những năm gần đây, tỉnh không ngừng đổi mới phát triển, đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế tiếp tục phát triển; Hệ thống cơ sở hạ tầng của Cao Bằng đang được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ... Cao Bằng đã và đang chuẩn bị các điều kiện phấn đấu trở thành trung tâm kết nối với các địa phương trong cả nước, hình thành cực phát triển và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc.
Với tiềm năng phát triển kinh tế, Cao Bằng đang tích cực thúc đẩy khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các đối tác lớn, thu hút nhà đầu tư có tiềm năng tập trung các dự án lớn làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn