Thạch An bảo tồn và gìn giữ trang phục dân tộc Mông đen

Thứ năm - 06/10/2022 12:19
Trang phục là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của mỗi dân tộc. Trang phục truyền thống cũng thể hiện trình độ sản xuất của nền nông nghiệp, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường cảnh quan, với thiên nhiên và xã hội của các dân tộc… Vì vậy, trong những năm qua, huyện Thạch An chú trọng gìn giữ, bảo tồn trang phục của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mông đen - một dân tộc chỉ có ở Thạch An.
mong den

Phụ nữ dân tộc Mông đen ngày nay vẫn tự thêu hoa văn trên trang phục của mình.

Dân tộc Mông đen là một nhánh của dân tộc Mông; người Mông đen sinh sống tập trung tại thôn Ka Liệng và Khuổi Cáp, xã Thụy Hùng với 71 hộ dân. Cùng với tiếng nói, hát dân ca, trang phục của người Mông đen cũng có nét độc đáo riêng có.

Trang phục của dân tộc Mông đen được làm từ vải chàm khá cầu kỳ. Trang phục nữ gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp. Ngoài ra, còn có các phụ kiện đi kèm như vòng cổ, trâm cài đầu bằng bạc.

Chị Hà Thị Đẹp, thôn Ka Liệng cho biết: Áo của chị em phụ nữ Mông đen thường có 3 thân, hai nẹp áo vòng lên cổ áo. Chỗ khâu nối giữa thân trước và thân sau để xẻ tà khoảng một gang từ gấu áo lên. Khi mặc trang phục, gấu áo không giấu vào trong váy mà mặc xòe ra ngoài, áo không có cúc mà vắt chéo lên nhau, sau đó dùng dải thắt lưng thắt ngang để giữ áo khỏi xòe ra. Là áo xẻ ngực nên phụ nữ Mông đen thường mặc yếm. Cổ yếm thêu hoa văn, hai bên cổ yếm đính mỗi bên 1 - 2 đồng bạc trắng. Các họa tiết thổ cẩm sặc sỡ được thêu trên cổ yếm, viền cổ áo, thắt lưng, tay áo, xà cạp khiến cho bộ trang phục màu đen không bị đơn điệu. Váy thường ngắn đến đầu gối. Xà cạp thường là miếng vải đen dài chừng một sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc màu đỏ thêu hoa văn. Chiếc váy mặc ôm tròn lấy eo, thân váy xếp ly bồng nhẹ, tạo sự duyên dáng, trẻ trung cho trang phục. Trang phục nam đơn giản hơn với áo cổ tròn có 4 túi, xẻ ngực, quần ống rộng. Hiện nay, mỗi gia đình người Mông có con gái đều có 1 bộ trang phục truyền thống dùng để mặc trong các sự kiện lớn, ngày vui của cộng đồng.

Được biết, vải chàm trong trang phục Mông đen được làm từ cây đay. Trước đây, để có vải chàm may trang phục, mỗi gia đình đều trồng cây lanh. Khi cây lanh to bằng đầu đũa thì cắt về để khô, sau đó tước thành sợi nhỏ chừng 2 mm buộc từng con nhỏ bằng ngón tay. Khi tước xong, mang vào cối giã để sợi mềm dễ se sợi, rồi đấu nối các sợi vỏ lanh với nhau. Sau đó, cho vào guồng se thành sợi tròn như sợi chỉ. Khi se sợi xong cho vào chảo nấu với nước tro rồi ủ trong tro bếp, sau đó mang ra suối vò đi vò lại để sợi trắng ra như sợi chỉ bông rồi mới cho vào khung dệt vải thành những vuông vải trắng rồi lại nhuộm chàm đen. Tuy nhiên hiện nay, người dân đã không còn tự trồng lanh, dệt vải mà thường mua sẵn trên thị trường để may trang phục. Về hoa văn thì một số chị em vẫn tự thêu theo ý thích và nét hoa văn của dân tộc mình.

Trào lưu đô thị hóa cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có biểu hiện bị mai một, trong đó có trang phục truyền thống, gióng lên hồi chuông cần bản tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số ít người.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch An Vũ Tuấn Nghĩa cho biết: Hiện nay, đa số người dân các dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ còn một số ít người cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống của mình. Các trang phục chủ yếu được mặc trong các dịp lễ hội, cưới, ngày đại đoàn kết dân tộc, các sự kiện, ngày hội lớn của dân tộc. Để bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, thời gian qua, huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn huyện, trong đó tập trung hỗ trợ các mô hình bảo tồn câu lạc bộ dân ca, dân vũ, đội văn nghệ; hỗ trợ nghệ nhân ưu tú trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; đặc biệt quan tâm gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông đen.

Huyện đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Vì vậy, huyện thực hiện khảo sát, kiểm kê, ghi chép tiến tới xây dựng làng du lịch cộng đồng dân tộc Mông đen tại thôn Ka Liệng, xã Thụy Hùng. Muốn vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Mông đen là việc làm hết sức có ý nghĩa. Bởi trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây