Giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc

Thứ sáu - 27/01/2023 15:02
Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống từ rất lâu đời. Mỗi dân tộc có đời sống văn hóa riêng biệt độc đáo, những nét văn hóa điển hình được thể hiện rất đa dạng qua cuộc sống thường nhật (ăn, mặc, ở, lao động sản xuất). Song, để nhận biết và phân biệt rõ nét từng dân tộc trong cộng đồng các DTTS chính là bộ trang phục truyền thống.
md

Phụ nữ dân tộc Mông Đen xã Thụy Hùng (Thạch An) thêu trang phục truyền thống.

ĐA DẠNG SẮC MÀU TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

DTTS chiếm 95% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Tày chiếm 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%. Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, có ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, những nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa. Trang phục truyền thống của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh khác biệt nhau về kiểu dáng, loại hình, màu sắc và hoa văn trang trí.

Dân tộc Mông ở tỉnh ta có 3 nhóm: Mông Trắng (Mông Đâư), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Đú). Từ xa xưa, người Mông đã biết trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm, tự cắt, khâu trang phục, dù thuộc nhóm nào họ cũng đều mặc vải lanh nhuộm chàm, trừ váy của phụ nữ Mông Trắng vẫn để nguyên màu vải mộc. Bộ trang phục truyền thống của người Mông thể hiện được chiều sâu cũng như bản sắc của họ, chất liệu vải lanh cùng màu sắc trên trang phục được trang trí rất sặc sỡ gồm nhiều màu kết hợp với nhau, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải kết hợp giữa thêu, ghép vải, in hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ tạo nên nét riêng của mỗi nhóm Mông.

Dân tộc Dao có Dao Đỏ và Dao Tiền. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền rất độc đáo, khác biệt so với các dân tộc khác, màu sắc chủ đạo trong trang phục là sắc chàm và màu trắng cùng với các họa tiết hoa văn trang trí đa dạng. Ngoài các chi tiết chính trên bộ trang phục, phụ nữ Dao Tiền còn tạo thêm điểm nhấn bằng các loại trang sức bạc, như: vòng cổ, vòng tay, khuy áo... Đặc biệt, nét đặc sắc, độc đáo nhất của trang phục người Dao Tiền là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong. Có thể nói trang phục người Dao Tiền là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Người Lô Lô Cao Bằng hiện nay vẫn bảo tồn, gìn giữ được khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống. Đồng bào vẫn duy trì sử dụng trang phục truyền thống trong những dịp lễ, tết, đám cưới, trong thực hành các nghi lễ tín ngưỡng. Dân tộc Sán Chỉ cũng bảo tồn khá tốt các giá trị văn hóa truyền thống như: phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng, trang phục truyền thống. Mặc dù đa số người dân không còn duy trì nghề trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm mà chủ yếu mua vải có bán sẵn ngoài chợ mang về cắt, may, thêu trang phục nhưng trang phục của người Sán Chỉ vẫn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị truyền thống về màu sắc, hoa văn trang trí, kiểu dáng.

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG ĐANG DẦN BỊ MAI MỘT

Ngày nay do tác động của cơ chế thị trường, xã hội ngày càng phát triển, giao lưu kinh tế diễn ra thuận lợi, một số nét văn hóa truyền thống cũng như trang phục và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang đứng trước nguy cơ mai một.

Qua kết quả khảo sát kiểm kê trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2021 cho thấy, hiện nay nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống trong cộng đồng ngày một ít, số người biết thực hành cắt, khâu, trang trí trang phục không còn nhiều, chủ yếu ở người lớn tuổi. Giới trẻ không mặn mà và ít thực hành với nghệ thuật trang trí trang phục truyền thống của dân tộc, trẻ em theo học cách làm trang phục truyền thống hiện nay hầu như không có, chỉ còn một số em học cách thêu hoa văn truyền thống trên khăn đội đầu, khăn vấn đầu và một số em biết làm tua rua len, hạt cườm. Nghề trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, nhuộm chỉ màu không còn được duy trì thực hiện như trước, nguyên liệu để làm trang phục đã được thay thế bằng các nguyên liệu có bán sẵn trên thị trường, chất liệu phong phú, giá thành rẻ; trang sức bằng bạc trang trí trên trang phục được thay bằng kim loại khác như nhôm, mạ bạc, đồng.

Chỉ còn một số ít dân tộc còn sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và trong lao động sản xuất như người Nùng An (huyện Quảng Hòa), người Dao Tiền, Lô Lô, Sán Chỉ. Dân tộc Tày hiện nay hầu như không còn sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mà chỉ sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, ngày hội, đám cưới, giao lưu, biểu diễn văn nghệ, sự kiện. Cũng giống như dân tộc Tày, trang phục truyền thống dân tộc Nùng đã bị mai một, đối tượng sử dụng trang phục truyền thống chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 50 trở lên. Nghề trồng cây lanh, dệt vải của người Mông Trắng đã không còn được người dân thực hiện cách đây khoảng 10 năm, do vậy nguyên liệu dệt vải, cắt, khâu, thêu trang phục cũng không có.

Đồng bào Dao Đỏ hiện nay chỉ sử dụng trang phục truyền thống trong đám cưới (cô dâu, bà đón dâu) và trong những ngày lễ, tết. Ngày thường đồng bào rất ít sử dụng trang phục truyền thống do dày, nặng, dài nên bất tiện trong lao động sản xuất và sinh hoạt. Những người còn sử dụng trang phục truyền thống chủ yếu là phụ nữ có độ tuổi từ 40 trở lên. Người Dao Đỏ không còn dệt vải, nhuộm chàm mà họ mua vải có bán trên thị trường để sử dụng. Việc cắt, khâu, thêu hoa văn trang trí trên trang phục vẫn được phụ nữ Dao duy trì nhưng người biết làm và đam mê theo nghề cũng còn ít. Em Hoàng Hồng Hạnh, 17 tuổi, dân tộc Dao Đỏ ở xã Vũ Minh (Nguyên Bình) cho biết: Em thấy bộ trang phục truyền thống Dao Đỏ của dân tộc mình rất đẹp và em rất thích nó. Tuy nhiên, hiện nay em cũng như nhiều người trẻ chỉ còn sử dụng bộ trang phục truyền thống trong dịp lễ, sự kiện.

md

Trang phục dân tộc Lô Lô đen huyện Bảo Lâm.

BẢO TỒN, PHÁT HUY TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - DI SẢN VĂN HÓA

Tỉnh ta là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, có tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Những phong tục tập quán, trang phục riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay, do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.

Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống, từ đó làm cho đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc.

Theo đồng chí Sầm Việt An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước nguy cơ biến dạng, mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc riêng của các bộ trang phục truyền thống, việc kiểm kê, đánh giá thực trạng trang phục truyền thống các DTTS, đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cần được thực hiện một cách đồng bộ. Trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa về trang phục truyền thống nói riêng. Quan tâm đến các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cơ chế chính sách cho các nghệ nhân có tâm huyết, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống. Khôi phục trang phục truyền thống, khôi phục nghề dệt của các DTTS đã bị mai một; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống như: bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu trang phục truyền thống các DTTS; giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống tại các điểm du lịch. Đầu tư, hỗ trợ, xây dựng, bảo tồn làng văn hóa dân tộc truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có nội dung bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trang phục và kỹ thuật trang trí trang phục truyền thống của các dân tộc.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây