Mùa bánh chưng xanh

Thứ tư - 11/01/2023 02:30
Mỗi độ cuối tháng chạp, nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng gia truyền trên địa bàn thành phố Cao Bằng lại tấp nập khách vào ra, các căn bếp luôn đỏ lửa, thơm mùi lá dong, mùi nếp, mùi đỗ...
2


Bánh chưng ở miền Bắc hay bánh tét ở miền Nam là món không thể thiếu trong mâm cỗ tết cổ truyền của người Việt. Những ngày này, tại cơ sở sản xuất bánh chưng gia truyền Bà Thanh, tổ 3, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng người xe lại hối hả vận chuyển những mẻ bánh mới vớt tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước phục vụ nhu cầu của người dân.

4
Không khí nhộn nhịp tại cơ sở sản xuất bánh chưng Bà Thanh (TP Cao Bằng)

Từ giữa tháng Chạp, không khí tết cổ truyền đã tràn ngập tại cơ sở sản xuất bánh chưng gia truyền này. Là một khách hàng lựa chọn bánh chưng Bà Thanh nhiều năm, chị Nguyễn Thanh Thúy (TP. Cao Bằng) chia sẻ: Gia đình tôi đã sử dụng bánh chưng Bà Thanh nhiều năm nay. Cơ sở làm bánh gia truyền này lựa chọn nguyên liệu rất kỹ, sản xuất đảm bảo vệ sinh. Tôi thường đến tận nơi để xem các công đoạn sản xuất sau đó mới đặt hàng. Một chiếc bánh chưng Bà Thanh sẽ dùng khoảng 400g thịt lợn đen, 250g đỗ xanh, các gia vị đặc trưng và chỉ sử dụng các loại gạo nếp Trùng Khánh, trong đó có nếp Ong được trồng trên những đám ruộng màu mỡ bên dòng sông Quây Sơn thơm ngon nổi tiếng.

3
Gạo nếp phải là loại gạo trắng dẻo - đặc sản nổi tiếng thuộc huyện Trùng Khánh

Thương hiệu “Bánh chưng Bà Thanh” tại cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Thanh mang nhiều nét đặc trưng của ẩm thực Cao Bằng. Bánh chưng được làm từ những nguyên liệu đặc sản của địa phương. Gạo nếp Ong huyện Trùng Khánh có hạt tròn đều, thơm dẻo đặc biệt mà không lẫn với những loại gạo khác. Đậu xanh được mua từ các bản làng là loại đậu hạt nhỏ, màu vàng đẹp. Thịt lợn được lựa chọn kỹ lưỡng từ giống lợn đen chăn nuôi theo phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Bằng. Lá dong gói bánh phải là loại lá dong mọc tự nhiên trong rừng, xanh đẹp, to đều, chủ yếu cơ sở thu mua tại xã Canh Tân (huyện Thạch An).

2
Lá dong dùng để gói bánh được mua từ xã Canh Tân

Những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt được tạo nên bởi đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ có kinh nghiệm lâu năm. Sau khi gói xong thì bánh được cho vào nồi luộc. Để bánh thêm ngon và nhừ thì khi luộc phải đun bằng bếp củi, lửa cháy đều liên tục khoảng 16 tiếng. Thành phẩm cuối cùng luôn đảm bảo cả về chất lượng cũng như thẩm mĩ.

Để phục vụ nhu cầu khách hàng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, vào những ngày rằm, mùng một, hay dịp Tết cổ truyền, lượng bánh chưng thành phẩm của cửa hàng Bà Thanh xuất ra thị trường lên tới vài chục nghìn chiếc. Một chiếc bánh chưng thành phẩm nặng 1,6kg với giá 180.000đ/chiếc bánh. Dịp Tết năm nay, từ 15 tháng Chạp, mỗi ngày cửa hàng sản xuất từ 800 - 1000 chiếc bánh chưng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bà Bùi Thị Thanh, chủ nhà hàng cho biết.

3
Bánh sau khi gói sẽ được xếp vào nồi luộc sôi liên tục 16 tiếng bằng bếp củi.

Với kinh nghiệm làm bánh gần 40 năm, thương hiệu bánh chưng Bà Thanh đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với bánh trưng bà Thanh, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hầu hết các cơ sở sản xuất bánh đều sử dụng những nguyên liệu sạch, đặc sản có nguồn gốc bản địa, được nhiều khách hàng tin tưởng và lựa chọn.

Không khí Tết Nguyên Đán đã cận kề, du khách đến miền non nước Cao Bằng dịp này có thể đến tham quan, trải nghiệm những cơ sở sản xuất bánh truyền thống và chọn mua vài chiếc bánh chưng xanh Cao Bằng để làm quà cho bạn bè, người thân.

Tác giả bài viết: Hồng Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây