Dâng hương khai hội chùa Sùng Phúc

Thứ ba - 07/02/2023 21:05
Ngày 4/2/2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão), tại thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Ủy ban nhân dân huyện Hạ Lang đã tổ chức Lễ dâng hương khai hội chùa Sùng Phúc.

 

1 Chua Sung Phuc

Phía trước Tiền đường chùa Sùng Phúc.

Tham dự có đồng chí Đỗ Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; đồng chí Vũ Khắc Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hạ Lang; đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo một số huyện trong tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Huyện ủy, UBND, các phòng, ban huyện Hạ Lang, nhân dân và du khách về trẩy hội.

2 Dang huong

Các đại biểu dâng hương khai hội.

Chùa Sùng Phúc được xây dựng vào thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) thuộc xã Lệnh Cấm, châu Hạ Lang, nay là thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Chùa Sùng Phúc được xây theo kiểu hình chữ Nhị. Không gian kiến trúc chùa bao gồm: Miếu thờ Thành Hoàng, Tiền đường, Hậu cung. Chùa có Cổng tam quan và Hậu cung theo kiến trúc thời nhà Lê.

Chùa Sùng Phúc thờ đức Phật Quan Âm Bồ Tát; thờ Thành Hoàng - Nguyễn Thành Vương (Nguyễn Đình Bá), ông có công chiêu dân khẩn hoang lập bản được dân suy tôn là Tiên Công Thành Hoàng làng, giữ chức Đốc Đồng ở Cao Bằng. Đặc biệt, chùa còn thờ bà Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, đỗ đạt tại Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều Mạc). Bà có thời gian xuất gia ở chùa Sùng Phúc, lấy pháp danh là Diệu Huyền, tên húy là Du, tên bản Huyền Du cũng được đặt theo tên bà. Trong thời gian ở chùa, bà thường dạy đạo lý và giảng về kinh Phật cho người dân trong vùng. Sau khi bà mất tại quê nhà Hải Dương, để tưởng nhớ bà Duệ, người dân Hạ Lang (Cao Bằng) đã đúc tượng bà thờ trong chùa. Việc xây chùa ở nơi biên ải là vừa để thờ Phật Quan Âm Bồ Tát, Thành Hoàng và thờ một số nhân vật có công đức với chùa, có công trấn ải vùng biên; đồng thời để khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Lễ hội chùa Sùng Phúc diễn ra các ngày 15 và 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ hội chùa Sùng Phúc rất phong phú với nhiều nội dung như: Nghi lễ dâng hương, rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, rước kiệu Thành Hoàng, múa rồng, múa sư tử, kỳ lân, giao lưu biểu diễn dân ca và thi đấu các trò chơi dân gian...

3 Cau an

Các đại biểu, nhân dân và du khách thực hiện lễ cầu an.

Lễ hội chùa Sùng Phúc là lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao của những bậc hiền tài có công xây dựng và bảo vệ địa phương, đất nước hiện được thờ phụng trong chùa, với ý nghĩa sùng bái phúc đức, cầu nguyện những điều may mắn trong năm mới. Là một trong những lễ hội lớn của huyện, Lễ hội chùa Sùng Phúc hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia trẩy hội.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây