Giá trị nghệ thuật, bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc

Thứ tư - 02/08/2023 15:53
Trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, trang phục là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để cấu thành bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, tộc người. Trang phục biểu hiện của phong tục, tập quán dân tộc, phản ánh đời sống lao động, những gia trị về mặt tâm linh, quan niệm của con người về thiên nhiên và vạn vật. Trang phục các dân tộc ít người được ví như một tác phẩm nghệ thuật ghi chép lại quá trình phát triển, cuộc sống của dân tộc…; là tổng thể của các hình thức nghệ thuật từ màu sắc, hoa văn, chất liệu, cách thể hiện…

Là tỉnh miền núi có trên 90% đồng bào dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số, những năm qua, Cao Bằng có nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Từ nhiều năm nay, hầu hết các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn tỉnh đã quy định học sinh phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, phải mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ Hai hằng tuần và mặc vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, ngành, địa phương; tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục dân tộc, trao giải cho các học sinh mặc trang phục truyền thống đẹp để khuyến khích các em. Ngành văn hóa định kỳ tổ chức liên hoan, hội diễn văn hóa các dân tộc thiểu số, tổ chức các lễ hội xuân, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc... 

Trong mô hình Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng đã triển khai các hoạt động bảo tồn các nghề truyền thống như: đan lát, thêu thùa, in hoa văn trên trang phục dân tộc… Đề án bảo tồn và phát huy giá trị trang phục của người Lô Lô ở Bảo Lạc; thêu, in hoa văn của người Dao Tiền, dệt thổ cẩm của người Tày (Hà Quảng)… Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thành lập các nhóm giúp học sinh biết cách tự thêu thùa, kỹ thuật nhuộm vải, tạo phom dáng cho một bộ trang phục truyền thống… 

CB

Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Dao Tiền. Ảnh: Thế Vĩnh

Nhưng thực trạng chung hiện nay do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ, đa số đồng bào các dân tộc thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông, phổ biến là lớp trẻ. Trong các dịp Tết, lễ hội đồng bào mới mặc trang phục truyền thống nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau bày bán trên thị trường. Trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt trang phục của dân tộc nào; nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa tốn kém, trong khi đó những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ... Mặt khác, đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng thổ cẩm hiện đang bán trên thị trường nên không mặn mà với nghề truyền thống; các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một...

Trước thực trạng trên, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc. Các địa phương xây dựng trang web để giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống gắn với giới thiệu, quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số; tiếp tục khuyến khích học sinh trường dân tộc nội trú, học sinh bán trú trong toàn tỉnh mặc trang phục 2 buổi/tuần. Các lễ hội truyền thống, các nghi lễ cổ truyền của dân tộc cần khuyến khích người dân bản địa mặc những trang phục truyền thống, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thôn, bản văn hóa, đưa vào hương ước của làng, xã, gia đình, dòng họ và cộng đồng… 

Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương tích cực tổ chức các gian hàng ở phiên chợ nơi có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, qua đó khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; tạo không gian, môi trường văn hóa cho đồng bào các dân tộc có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Cần quy hoạch vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất cho các làng nghề dệt truyền thống, thêu thủ công; phải có các đơn vị cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu và công cụ hỗ trợ cho làng nghề; có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Tăng cường mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, trong đó, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các cấp đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình mà còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống, góp phần vào sự phát triển văn hóa của các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây