“DỆT” NÊN DI SẢN

Thứ tư - 28/06/2023 17:58
Sản phẩm thổ cẩm không chỉ dừng lại ở giá trị của Di sản mà còn có tiềm năng để phát triển du lịch. Vậy, làm thế nào để đánh thức được tiềm năng này? Nghệ nhân Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng đã làm được điều đó. Bà luôn tâm huyết, nuôi dưỡng, vực dậy nghề truyền thống được cha ông truyền lại và dành trọn cuộc đời của mình với nghề “Dệt”, để nghề dệt của người Tày trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Âm thanh “kẽo kẹt… kẽo kẹt…” quen thuộc vang ra từ khung cửi ở xóm Luống Nọi đã ăn sâu vào tiềm thức, gắn bó với nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên quê hương. Từ âm thanh ấy, qua bàn tay khéo léo cùng với tình yêu văn hóa dân tộc, người dân nơi đây đã dệt nên những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo và sắc nét. Họa tiết trên tấm vải thổ cẩm là các loài hoa, chim muông, thú quý... chỉ có ở miền Non nước Cao Bằng. Sản phẩm này được dùng trong đời sống tâm linh như: những tấm trướng che bàn thờ, áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của thầy cúng; các loại đồ dùng thường ngày như: mặt địu, chăn, khăn trải bàn. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày là văn hóa, là hồn cốt của dân tộc.

NGHỆ NHÂN THƯỢC
Nghệ nhân Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) bên khung cửi

Nghệ nhân Nông Thị Thược, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) tâm sự: Nghề dệt thổ cẩm có từ hơn 300 năm gần 400 năm rồi, đời tôi là đời thứ 4 theo nghề dệt thổ cẩm. Nghề này không thể thiếu được trong đời sống của người Tày. Thấy nguy cơ mai một của nghề, nên bản thân tôi luôn tâm huyết, nỗ lực để nghề dệt không bị mai một. Tôi cũng không bỏ nghề dệt này được…

Nghệ nhân Nông Thị Thược được biết đến là người có công lớn trong việc gìn giữ, phát triển và sáng tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương, và cũng là người duy nhất trong tỉnh vinh dự được tặng nhiều danh hiệu: “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam”, “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”; “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Bên cạnh đó, bà Thược còn được các bộ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và tỉnh tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển làng nghề, phát triển du lịch của địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Luống Nọi được hình thành từ khi mới lập làng, lập bản. Nơi đây còn được mệnh danh là “cái nôi của thổ cẩm” tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của cơ chế thị trường, nghề dệt thổ cẩm nơi đây cũng bị mai một, mất đi chỗ đứng. Toàn bộ diện tích trồng bông trong xã từng bị phá bỏ và chuyển sang trồng các loại cây, hoa màu khác. Hàng loạt các gia đình trong xóm bỏ nghề. Là một nghệ nhân cao tuổi chứng kiến những thăng trầm của nghề dệt truyền thống, bà Nông Thị Duyên (75 tuổi) cho biết: Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nào cũng có 1, 2 khung cửi. Người nào cũng biết dệt. Từ những năm 90, các thanh niên trẻ đi làm ăn xa, nghề dệt của làng vì thế mà mai một dần.

Khi “tổ nghề” đứng trước nguy cơ mai một, bà Nông Thị Thược đã trăn trở. Bà luôn thường trực một nỗi lo, đó là nghề truyền thống sẽ mất trong một ngày nào đó. Bà đã biến nỗi trăn trở ấy thành động lực. Bà bỏ nhiều công sức đi vận động, động viên các hộ giữ khung cửi để gìn giữ nghề. Với bà, hình ảnh khung cửi, họa tiết, hoa văn thổ cẩm rất đỗi thân thuộc, gắn bó như máu thịt và hơi thở cuộc sống của chính bà và của cả dân tộc mình.

Để thuyết phục, gieo niềm tin với nghề thổ cẩm tới các hộ dân trong xóm thành công, bà Thược đã vất vả tìm đầu mối để tiêu thụ sản phẩm. Bởi bà biết chỉ khi có thị trường đầu ra ổn định, người dân sống được bằng nghề thì mới thuyết phục được bà con theo và giữ nghề.

Sau nhiều năm lăn lộn và trải qua nhiều thăng trầm với nghề, nghệ nhân Nông Thị Thược nhận ra rằng, muốn nghề thổ cẩm phát triển bền vững như mong đợi, người làm nghề nhất định phải tìm cho mình một lối đi riêng, phải đầu tư, sáng tạo nên những sản phẩm đặc biệt và chất lượng. Vậy là bà đã sống với những ngày tháng quên ăn, quên ngủ, dành nhiều thời gian để nghiên cứu, để tạo ra những sản phẩm truyền thống mang sắc màu riêng biệt.

DỆT 2
Cùng gìn giữ, phát huy nghề truyền thống

Ấp ủ nhiều ý tưởng cùng với quyết tâm, bà đã thành lập tổ dệt với sự tham gia của hơn 10 người thợ. Sản phẩm dệt đến đâu bán hết đến đó, mỗi năm thu nhập trung bình của mỗi người từ 50 - 60 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm thổ cẩm không chỉ có khách trong tỉnh đến đặt hàng, mà nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh thành, từ khách du lịch các nước Châu Âu. Sản phẩm thổ cẩm được giới thiệu, quảng bá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các nước trong khối ASEAN.

Chính sự quyết tâm giữ nghề của nghệ nhân Nông Thị Thược đã truyền cảm hứng cho người dân trong xóm. Họ cũng trăn trở, cũng đau với nỗi đau nguy cơ nghề truyền thống sẽ mất. Và rồi họ cùng vui chung với niềm vui khi nghề truyền thống “trở lại”.

Là một trong số những người được bà Thược đến vận động giữ nghề, đến nay, gia đình bà Thành đã có thể sống ổn định với nghề truyền thống của cha ông để lại. Bà Hoàng Thị Thành chia sẻ: Lúc nhìn cảnh nhổ cây bông đi, tôi rất buồn. Tôi nghĩ nghề dệt sẽ bị mai một. Khi đó, chị Thược đã đi vận động từng nhà làm lại nghề này và tôi cũng lại dệt thổ cẩm. Tôi thấy vui vì giữ được nghề cho con cháu, ước mong con cháu cũng làm để giữ gìn nghề này.

BẠN NHỎ TÌM HIỂU NGHỀ DỆT
Thế hệ thanh thiếu nhi tìm hiểu về nghề truyền thống

Với những tâm huyết đó, ngọn lửa nghề được trao truyền và cháy mãi. Có lẽ vì thế mà địa chỉ này trở thành một trong những điểm di sản nằm trên tuyến trải nghiệm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” và được công nhận là thành viên đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Đó là niềm tự hào đáng trân quý nhất với những người làm nghề.

Đặc biệt, để bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống dân tộc, nâng cao thu nhập và quảng bá du lịch, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến việc hỗ trợ người dân phát triển nghề thủ công truyền thống. Tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng” là 1/12 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là động lực thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch.

Bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều chính sách quan tâm, lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, lập hồ sơ đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với nghề dệt thổ cẩm, ngành Văn hóa tham mưu thực hiện khôi phục trang phục truyền thống, khôi phục nghề dệt của các dân tộc thiểu số đã bị mai một bằng các phương pháp như: cải tạo, nâng cấp khung dệt; duy trì nguồn nguyên liệu, phụ kiện trang phục. Với các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là các nghề truyền thống như trên sẽ góp phần tạo nên sản phẩm và thương hiệu để thúc đẩy phát triển du lịch Cao Bằng, thúc đẩy thực hiện thành công nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển du lịch - dịch vụ bền vững.

Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Tày có sức hút kỳ lạ đối với các du khách. Ông Ngô Quang Hải, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, trải nghiệm tại Phố đi bộ Kim Đồng (TP. Cao Bằng), qua tham quan các gian hàng truyền thống, ông chia sẻ: Tôi rất tò mò về sản phẩm thổ cẩm của người Tày Cao Bằng. Tôi thấy các nghệ nhân dệt thổ cẩm rất khéo tay, sản phẩm dệt đẹp, tỉ mỉ. Bởi vậy, tôi đã tìm đến khu phố này để mua về làm kỷ niệm.

Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh thời trang, may mặc và du lịch đã đưa những sản phẩm này để quảng bá và tạo nên dấu ấn riêng của sản phẩm du lịch Cao Bằng. Bà Hứa Thị Nhu, một trong số những cơ sở kinh doanh thổ cẩm lâu đời ở thành phố Cao Bằng cho biết: Khách hàng đánh giá thổ cẩm của tỉnh mình vẫn đẹp, nhiều người vẫn thích dùng thổ cẩm này, kể cả ra nước ngoài rồi thỉnh thoảng vẫn gọi về để mua thổ cẩm.

SẢN PHẨM 2
Nghệ nhân Nông Thị Thược mong muốn sản phẩm dệt truyền thống của làng Luống Nọi vươn ra thị trường thế giới

Sản phẩm thổ cẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. Và hơn bao giờ hết nghệ nhân Nông Thị Thược vẫn luôn ấp ủ những dự định mới cho sản phẩm thổ cẩm của người Tày.

Tiếng kẽo kẹt, khúc hát mẹ ru con và họa tiết, hoa văn sắc nét trên thổ cẩm vẫn lưu giữ mãi trong tâm thức của mỗi người, không chỉ ở Luống Nọi, mà của tất cả người con quê hương Cao Bằng, khẳng định về giá trị, vị thế Di sản Văn hóa. Có được kết quả ấy là nhờ những con người bằng tình yêu văn hóa, tình yêu quê hương, họ đã “Dệt” nên Di sản của dân tộc mình./.

 

Tác giả bài viết: Trương Quyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây