Niềm vui trẩy hội Hồng An

Thứ tư - 15/03/2023 10:16
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Bảo Lạc năm 2023 tổ chức tại xã Hồng An đã thu hút đông đảo du khách thập phương khám phá nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân nơi xứ sở mờ sương. Đây là lần đầu tiên Hồng An diễn ra một ngày hội quy mô lớn và đón tiếp nhiều bạn bè đến với vùng đất này, được giới thiệu những nét đặc sắc trong đời sống và văn hóa dân tộc Mông. Niềm vui trong ngày hội như được nhân lên và lan tỏa.
5
Niềm vui người Mông trẩy hội.

Khác với sự yên ắng ngày thường, xã Hồng An hôm nay có hội. Từ mọi ngả đường, người dân nô nức đổ về khu vực trung tâm, nơi diễn ra ngày hội. Giữa trập trùng mây, trập trùng núi, dưới thung lũng trung tâm xã là không gian của Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Bảo Lạc năm 2023. Người dân xuống hội trong bộ trang phục đẹp nhất, nam nữ không kể tuổi tác ai cũng háo hức.

Trước nay, Hồng An luôn được biết đến là vùng đất xa xôi, hẻo lánh, mùa đông lạnh, mây mù che phủ và kéo dài hơn các địa phương khác. Nơi đây là xã duy nhất của huyện Bảo Lạc chỉ có 2 dân tộc sinh sống là Mông và Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 70%. Chính vì vậy, cộng đồng dân tộc Mông nơi đây có một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc và được giữ gìn, bảo tồn khá nguyên vẹn. Khi được huyện Bảo Lạc lựa chọn là nơi diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông năm 2023, niềm vui, phấn khởi và mong chờ là tâm trạng chung của người dân Hồng An những ngày này. Họ dành mọi thứ tốt nhất để chuẩn bị cho ngày hội cũng như đón bạn bè, du khách đến với nơi đây.

4
Rộn ràng hoạt động thi làm bánh "nhúa pỉa".

Những nụ cười rạng rỡ, những khuôn mặt hân hoan, hòa cùng tiếng hát da diết, tiếng khèn Mông văng vẳng hay sự dũng mãnh của những màn đấu bò… tất cả tạo nên một không gian tràn ngập màu sắc khiến cho bất kỳ ai đến với ngày hội cũng bị thu hút bởi những điều rất mộc mạc nhưng lại mang sắc thái riêng không nơi nào có được.

“Sự hòa quyện giữa không gian núi rừng Cao Bằng, bao bọc giữa núi và sương, cùng với những đứa trẻ, người đi trẩy hội... Những xích đu, những trang phục rồi chọi bò… Tôi cảm thấy những nụ cười rất hạnh phúc, không chỉ là đồng bào dân tộc và những du khách thập phương xa gần. Như tôi ở trong Nam ra đây thấy không khí và tinh thần rất phấn khởi của đồng bào, tuy là giữa mùa xuân nhưng khiến cho tôi cảm thấy ấm áp mặc dù không gian bên ngoài rất lạnh lẽo. Nhưng bên trong ấm áp, rất hạnh phúc. Những nụ cười ấy xuất phát từ giá trị truyền thống, không gian của núi rừng hòa quyện vào nhau, giống như đất trời, con người hòa quyện rất hài hòa. Nó mộc mạc như sơn cước miền biên viễn, nhất là nụ cười của các em gái mới lớn, chúng tôi vẫn hay nói là nụ cười ngọt ngào.” Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Em Tô Minh Trường, Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng: Điều khiến em ấn tượng nhất là không khí nơi đây. Bình thường mọi người sẽ ít được trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Mông. Hôm nay có lễ hội em cũng muốn lên để trải nghiệm không khí ở đây như thế nào. Không khí ngày hội hôm nay quá hoàn hảo, không có điều gì khiến em thất vọng nữa.

1
Các tác phẩm nghệ thuật từ bánh "nhúa pỉa".

Ngày hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động phong phú như chính đời sống, văn hóa của dân tộc Mông nơi đây như: thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, không gian văn hóa, thi làm bánh “nhúa pịa”, thi chọi bò, bắn nỏ…

Một trong những đặc sắc của lễ hội như chọi bò thì có nhiều nơi cũng diễn ra, nhưng trong không gian giữa núi rừng thì thật đặc biệt. Ban Tổ chức đã lựa chọn một không gian với địa thế được phân cao thấp, nơi thì gian hàng trưng bày, nơi chọi bò… cấu trúc không gian rất hợp lý. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thêm.
 

chọi bò
Đông đảo du khách đến cổ vũ phần thi chọi bò.

Người dân đến với Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông không chỉ để vui chơi, để gặp gỡ bạn bè, mà còn là dịp trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi phát triển đàn gia súc, đặc biệt là phát triển đàn bò - con vật tượng trưng cho sức mạnh, gắn bó trong mọi mặt đời sống của người Mông. Để từ đó, đồng bào Mông cũng như các dân tộc khác nơi vùng cao từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, thi đua lao động sản xuất, tạo động lực, thêm ý chí và niềm tin vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Các hoạt động văn hóa trong ngày hội có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Thào A Quả, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc chia sẻ: Không khí ngày hội hôm nay rất vui. Nhờ có sự dẫn dắt của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, người Mông chúng tôi có cuộc sống ấm no dần, hôm nay mới có cơ hội đến gặp anh em, bạn bè mọi nơi, mọi người đến đây đều vui vẻ. Nhà nước mới mở hội cho người Mông chúng tôi đến để được giao lưu học hỏi, được Nhà nước quan tâm mở hội cho chúng tôi rất cảm ơn Đảng, ơn Nhà nước. Ngày hội hôm nay người già người trẻ đều đến, đến để được thổi khèn, thổi sáo, hát dân ca, được thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông chúng tôi từ thuở xa xưa mà cha ông ta đã có, nên chúng tôi cần phải giữ gìn bản sắc của mình, không tin không theo những điều sai trái. Các thế hệ người Mông chúng tôi luôn nhớ Bác Hồ đã dạy, cùng nhau làm ăn, phát triển quê hương để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

3
Bà con sáng tạo trong phần thi ẩm thực.

Sau 02 ngày diễn ra lễ hội với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo nhân dân và du khách, Ban Tổ chức đã trao 19 giải thưởng Nhất, Nhì, Ba cho các diễn viên, vận động viên có thành tích cao. Trong đó giải Nhất và giải Ba chọi bò thuộc về xã Sơn Lập, giải Nhì xã Hồng An.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc khẳng định: Ngày hội là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông. Đồng thời là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc Mông đến với du khách thập phương, thu hút du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là dịp để các xã, thị trấn giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành; tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn nói chung, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc Mông.

Tác giả bài viết: Ánh Nguyệt - Lầu Hải - Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây