Ðộc đáo lễ cấp sắc của người Sán Chỉ

Chủ nhật - 25/12/2022 20:55
Theo phong tục truyền thống của người Sán Chỉ, cấp sắc là một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người đàn ông Sán Chỉ. Người con trai sau khi làm lễ cấp sắc mới được công nhận là người trưởng thành và có tên âm như một sự trình báo với tổ tiên về một thành viên mới của dòng họ.
Cấp sắc
Các thầy đọc điều nguyện, lời thề và điều cấm trong nghi lễ cấp quyền cho người thụ lễ.
Ông Lý Văn Thông là người dân tộc Sán Chỉ ở xóm Nà Pồng, xã Mông Ân (Bảo Lâm) cho biết: Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Chỉ có từ lâu đời, theo người Sán Chỉ thì người con trai khi đã đủ 12 tuổi trở lên phải được làm lễ cấp sắc, sau này về già sang thế giới bên kia mới có tên âm, hồn ma mới được nhập vào tổ tiên, không phải trải qua kiếp đoạn này ở dưới âm phủ. Qua lễ cấp sắc, người con trai có quyền cá nhân đối với cộng đồng và được công nhận là người trưởng thành trong gia đình, dòng họ, làng xóm và được làm thầy mo, thầy Tào đi cấp sắc cho người khác.

Gia đình làm lễ cấp sắc phải chuẩn bị đầy đủ lợn, gà, gạo, rượu, tiền làm lễ cúng thần, lợn dùng trong lễ cấp sắc ngay từ khi nuôi phải làm lễ cúng. Việc trang trí cho một buổi lễ rất công phu như: lán thờ, bàn địa, viết sớ, treo tranh thờ, cắt dán trang trí bàn thờ, đồ thờ và các vật hành lễ. Người được cấp sắc mặc chiếc áo do thầy cúng ban cho và phải trải qua các thử thách để được thần Đất, thần Gió, tổ tiên và các vị thần linh khác che chở. Lễ cấp sắc đều có các bậc khác nhau, ở mỗi bậc cấp đều khác biệt trong trình độ hành lễ trong ngày lễ cấp sắc nhiều nghi lễ cổ truyền dân gian trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản, những hình vẽ, hình nộm, chữ viết và các loại nhạc cụ thanh la, não bạt như bước vào một thế giới tâm linh, có nghi lễ chỉ diễn ra vài phút, có nghi lễ diễn ra cả buổi, được người nhà và dân bản đến xem đông vui như ngày hội.

Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ có thể cho 9 người cùng một đợt và phải ở nhà trưởng họ (nếu ít hơn phải theo số lẻ), lúc còn sống chưa làm lễ cấp sắc thì sau khi chết con cháu phải làm lễ cấp sắc cho, cấp sắc phải tuân thủ theo thứ bậc những người trong gia đình, dòng tộc, cấp cho bố trước rồi cấp cho con, đến anh, em, cháu, anh em họ có thể cấp cùng một lần. Với người Sán Chỉ, trong thời gian tiến hành lễ cấp sắc, tất cả các thầy mo, thầy tào, gia chủ, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh, không ăn mỡ động vật. Đặc biệt, người được cấp sắc phải cách ly ở riêng trên gác một mình, khi nào thầy mo, thầy tào cho ăn mới được ăn, cho xuống làm lễ mới được xuống.

Lễ cấp sắc được tiến hành thâu đêm, suốt sáng, qua hơn 20 nghi thức lớn, nhỏ khác nhau như: lễ dựng đàn ngũ đài, đàn thờ trong nhà, lễ cúng đàn thìn đành, lễ lên thăm thiên đình, lễ xin thánh lấy pháp lực, lễ giáng sinh, dâng lễ vật cho tổ sư, lễ khao làng...

Mở đầu lễ cấp sắc là tiếng thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng trống hiện thân của mặt trăng. Sau khi đã làm xong các nghi thức trong nhà, các thầy cầm hương trình lên đàn lễ xin cho người thụ lễ ra ngoài đàn ngũ đài để thực hiện lễ giáng sinh. Đàn ngũ đài được lập ngoài trời, trên một khu đất rộng, làm bằng gỗ, cao hơn hai mét. Ngũ Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đàn, nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.

Người thụ lễ sau khi lên ngũ đài cần ngẩng đầu nhìn trời lần lượt xoay mình về các phía, sau đó ngồi xuống ngũ đài mặt quay về hướng tây, lưng về hướng đông. Sau khi thầy tào, thầy mo làm lễ xong, người thụ lễ đứng thẳng lên rồi ngồi co chụm lại cúi đầu, các ngón tay đan vào nhau, ngón tay cái giữ ngón chân cái, ngón tay phải giữ ngón chân phải, ngón tay trái giữ ngón chân trái. Sau ba lần hô, người thụ lễ theo đó mà chụm chân lại và xoay người dần ra mép phía đông, trong lúc đó mọi người ở dưới cùng nhau trải võng và căng ra, trên mặt võng trải tấm chăn, chăn xếp phải để làm sao cho lúc người được thụ lễ rơi xuống thì chăn phải chụm lại phủ kín toàn bộ người rơi xuống trong võng, người thụ lễ rơi xuống võng liền được gói kín, tấm lưới bao bọc xung quanh như bào thai. Đồng thời, tiếng trống chiêng nổi liên hồi mừng người thụ lễ từ trên trời giáng sinh về với trần gian, bát nước đặt trên gói võng được thầy làm phép đổ đi rồi mở võng, mở bọc chăn ra. Thầy sẽ xem các ngón tay, ngón chân xem có còn chụm sát vào nhau hay không. Sau đó, thầy cầm dấu đóng vào lưng hai bàn tay còn đan kết của người thụ lễ rồi gỡ mười ngón tay đan vào nhau ra, các thầy cầm mỗi thầy một bát cơm lần lượt bón cho người thụ lễ ăn. Điều này tượng trưng cho việc trẻ sinh ra được các thầy chăm sóc, tiếp đó, các thầy lần lượt dùng kiếm chặt các mắt lưới của tấm võng, đây là một nghi lễ hóa kiếp thu hút đông người đến xem nhất, với quan niệm qua nghi lễ này người được cấp sắc mới qua mọi khổ ải và nhận được phép của thầy, có trách nhiệm giúp người khác duy trì phong tục, tập quán của dân tộc. Sau khi giáng sinh, người thụ lễ được đưa về nhà để làm các nghi lễ khác, như: đội mũ áo cho người thụ lễ, lễ cấp quyền, lễ giao âm binh, lễ hướng dẫn người thụ lễ hành nghề, dâng lễ vật cho tổ sư, tạ ơn tổ tiên và các nghi thức hạ đàn.

Điều đặc biệt, trong nghi lễ cấp quyền, khi người thụ lễ đã trưởng thành có chức sắc, các thầy bắt đầu đọc cho người thụ lễ 10 điều nguyện, 10 lời thề và 10 điều cấm như không được sống gian lận, khinh người, không được chửi mắng bố mẹ... Tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội.

Kết thúc lễ, cấp sắc thầy làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc và đạt kết quả tốt, từ đây người được cấp sắc coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh. Sau khi hoàn chỉnh các bước để làm lễ cấp sắc, thầy sẽ đại diện gia đình thắp hương trình báo với ma tổ tiên về lễ cấp sắc cho con cháu đã hoàn thành, đồng thời cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu được bình yên, mạnh khỏe. Giờ đây cậu bé chính thức được làm một người con của gia đình, dòng họ, một thành viên của cộng đồng với đầy đủ phẩm chất của người được cấp sắc 7 đèn.

Trong lễ cấp sắc, bữa tối thứ nhất hành lễ và tối thứ hai là lễ khao làng, đối tượng của hai bữa này chủ yếu dành cho nam giới. Đến bữa trưa ngày thứ ba sau khi kết thúc lễ, từ sáng nữ chủ nhà sẽ đến từng hộ trong làng mời phụ nữ đến ăn bữa trưa, khi đi ăn cơm, các chị em mặc trang phục truyền thống với đầy đủ nữ trang...

Lễ cấp sắc của người Sán Chỉ là một loại hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong gia đình cũng như cộng đồng, dòng họ. Lễ cấp sắc có ý nghĩa giáo dục rất cao, các nội dụng thể hiện trong các nghi lễ đều hướng con người đến cái thiện, đó là sự kính trọng người già, yêu quý trẻ nhỏ, biết ơn cha mẹ, thủy chung, sống chân thành, dũng cảm, trọng nghĩa. Cho đến nay, những nội dung mang tính giáo dục của nghi lễ vẫn còn có ý nghĩa, phù hợp với nền giáo dục hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây