Bảo tồn, khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống

Thứ năm - 05/01/2023 08:25
Trên địa bàn tỉnh hiện bảo tồn và duy trì hoạt động trên 100 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, các lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương.
NH

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Là cái nôi giàu truyền thống văn hóa, huyện Quảng Hòa hiện là nơi diễn ra nhiều lễ hội đậm chất truyền thống. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa Đàm Thị Chiến cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 23 lễ hội truyền thống, trong đó có 2 lễ hội: tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên và Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành mới được khôi phục lại trong những năm gần đây và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc bảo tồn, gìn giữ và phục dựng lại các lễ hội góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, từng bước tôn tạo, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc.

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2017 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc của dân tộc Tày, thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Thông qua các nghi lễ của lễ hội phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Nàng Hai là lễ hội cổ truyền vừa mang tính tâm linh vừa mang tính khoa học lịch sử, vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi. Lễ hội gắn liền với quá trình phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam, như nhà Lê, nhà Mạc. Từ năm 1945 trở về trước, Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành được tổ chức theo định kỳ 3 năm/lần. Nhưng từ năm 1945 - 1975, do chiến tranh nên nhân dân không tổ chức. Lễ hội Nàng Hai được khôi phục lại vào năm 1977; Bộ Văn hóa - Thông tin phục dựng lần 2 vào năm 1997; lần phục dựng thứ 3 vào năm 2004 được tổ chức ở quy mô cấp xã. Từ đó đến nay, theo thông lệ, lễ hội được tổ chức 2 năm một lần (vào các năm chẵn).

Bà Đinh Thị Băng, xóm Hợp Thành, xã Tiên Thành chia sẻ: Lễ hội Nàng Hai mang đậm nét văn hóa của người Tày được tổ chức từ ngày 22/3 âm lịch, lễ hội kéo dài trong 12 ngày đêm. Theo tín ngưỡng của người Tày, trên trời có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên (gọi là các Nàng Hai, là con của Mẹ Trăng) chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian. Lễ hội Nàng Hai có ý nghĩa là một tục lệ cầu mùa với các đêm hát xướng để mời các Nàng Hai ở trên trời xuống vui hội trần gian và giúp người dân trong công việc đồng áng, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy lộc. Lễ hội Nàng Hai diễn ra với đầy đủ nghi lễ của một lễ hội truyền thống, gồm 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ đưa Hai. Trước khi diễn ra nghi lễ, đồng bào dân tộc Tày chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. Việc khôi phục lại Lễ hội Nàng Hai góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, từng bước đưa các nét văn hóa truyền thống đó vào phát triển du lịch cộng đồng mà địa phương đang triển khai hiện nay.

Với 95% đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, Cao Bằng có một kho tàng các lễ hội truyền thống phong phú, đa dạng. Trong thời gian qua, nhiều lễ hội được các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức phục dựng thành công, như: Lễ hội chọi bò, thi bò đẹp thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm); Lễ hội chọi bò, thi bò đẹp thị trấn Thông Nông (Hà Quảng); các lễ hội: Lồng tồng xã Tri Phương, Thanh minh xã Quang Trung, Háng Tán thị trấn Hùng Quốc, Lồng tồng xã Cao Chương, Co Sầu, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh); Lễ hội Bó Puông, xã Lê Lợi (Thạch An). Xây dựng kịch bản, phục dựng bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống gần như bị mai một như: Lễ hội Pháo hoa, thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa), Lễ hội Nàng Hai, xã Kim Đồng (Thạch An), Lễ hội chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang), Lễ hội Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố), Lễ hội Thanh Minh (Sinh Mình), xã Phúc Sen (Quảng Hòa)…

Không chỉ cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều địa phương, cộng đồng dân cư cũng chung tay trong việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Năm 2007, huyện Bảo Lâm phục dựng hội chọi bò của dân tộc Mông, xã Mông Ân và nâng lên thành lễ hội từ năm 2008 với tên gọi "Lễ hội thi bò đẹp và chọi bò", được tổ chức ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại thị trấn Pác Mjầu.

cb

Lễ hội thi bò đẹp và chọi bò huyện Bảo Lâm thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ.

Đồng chí Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Những năm qua, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, triển khai, xây dựng nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc. Huyện duy trì và phát huy các nét đẹp văn hóa của các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng các xã: Mông Ân, Yên Thổ, Vĩnh Quang, Lý Bôn, Nam Quang và thị trấn Pác Mjầu; Lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô xã Đức Hạnh; Lễ hội cấp sắc của dân tộc Sán Chỉ xã Yên Thổ, Mông Ân; Lễ hội thi bò đẹp, chọi bò thị trấn Pác Mjầu... Đặc biệt, Lễ hội thi bò đẹp, chọi bò không chỉ đem đến cho người xem những màn thi đấu hay nhất mà còn là dịp để người chăn nuôi bò gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi phát triển đại gia súc nói chung và đàn bò nói riêng ở khu dân cư, góp phần động viên bà con hăng hái lao động sản xuất, phát triển đàn bò để giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Về công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống ở các địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tô Thị Trang, các lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương, có ý nghĩa cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu mùa, mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp, tôn vinh các nhân vật lịch sử có công lao chống giặc ngoại xâm giữ gìn đất nước và quảng bá về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nhằm thu hút, quảng bá khách du lịch đến với Cao Bằng. Một số lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của quần chúng nhân dân như Lễ hội Đền Kỳ Sầm, vua Lê, Lễ hội Thanh Minh, Lễ hội tranh đầu pháo… Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, thông qua các lễ hội đã phát huy tốt vai trò giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Các địa phương nêu cao tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức và kịch bản tổ chức lễ hội. Đối với các lễ hội gắn với di tích lịch sử văn hóa, phần lễ diễn ra trang trọng, đúng với lịch sử của di tích. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, tạo không khí sôi nổi, qua đó thu hút đông đảo nhân dân đến dự. Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây