Đoàn chuyên gia Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO và Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng kiểm tra sản phẩm của làng rèn Phúc Sen. |
Dân tộc Nùng An chiếm trên 95% dân số ở xã Phúc Sen. Từ lâu, bà con duy trì, phát triển nghề truyền thống thủ công sản xuất rèn nông cụ, làm hương ở xóm Phja Thắp, làm giấy bản ở xóm Dìa Trên. Sản phẩm ba làng nghề trên đạt tiêu chí chất lượng, vươn ra thị trường được UBND tỉnh cấp bằng chứng nhận, là đối tác của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen Đàm Đình Đạo, các làng nghề trên được UBND tỉnh, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vinh danh, công nhận làm đối tác đã mở ra cơ hội mới cho cấp ủy, chính quyền xã và bà con duy trì, nâng cao phát triển làng nghề phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Đặc biệt là phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Việc duy trì ba làng nghề truyền thống đã đóng góp đáng kể trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Nghề rèn Phúc Sen, làm giấy bản Dìa Trên, làm hương Phja Thắp có 250 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động nông thôn, thu nhập từ 22 - 60 triệu đồng/hộ/năm, tổng thu nhập đạt gần 20 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 đến nay, với sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện Quảng Hòa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả ba làng nghề trên trở thành đối tác của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trong đó, làng nghề rèn Phúc Sen, làm hương Phja Thắp được hỗ trợ phát triển DLCĐ. Riêng điểm DLCĐ Phja Thắp đạt tiêu chí sản phẩm OCOP hai sao. Bà con làng nghề phát triển thêm DLCĐ bước đầu năng động hơn bắt nhịp với làm dịch vụ du lịch.
Tại kỳ khảo sát tái thẩm định CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, ông Guy Mratini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO đánh giá cao ba làng nghề của Phúc Sen - đối tác của CVĐC Non nước Cao Bằng đã duy trì sản xuất, giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường, các làng nghề vẫn giữ di sản văn hóa và di sản địa chất là cảnh quan nông thôn miền núi. Ông Guy Mratini nhấn mạnh: Mục tiêu hoạt động của CVĐV toàn cầu UNESCO hướng tới là khuyến nghị, định hướng cho đối tác mạng lưới CVĐV toàn cầu, trong đó có CVĐC Non nước Cao Bằng, các cấp chính quyền sở tại quan tâm đầu tư, định hướng cho đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với sinh kế. Trong đó quan tâm đến định hướng phát triển DLCĐ để người dân sinh kế trên chính những di sản văn hóa, địa chất đã gìn giữ từ lâu đời trong lịch sử.
Trên cơ sở khuyến nghị, định hướng của chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Sen tiếp tục xúc tiến các nhiệm vụ phát triển làng nghề. Theo lãnh đạo xã Phúc Sen, căn cứ vào thực tiễn xã hội, khuyến nghị của chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO, xã thấy rõ để tiếp tục phát triển làng nghề cần đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng về mẫu mã. Đặc biệt, nghề rèn của người Nùng An đã được công nhận là sản phẩm OCOP, được vinh danh nhiều lần tại các hội chợ toàn quốc; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/1/2019 nên càng phải chú trọng giữ chất lượng thương hiệu.
Định hướng phát triển DLCĐ, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm bởi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng xã Phúc Sen trở thành trung tâm văn hóa đặc trưng dân tộc Nùng An của tỉnh, CVĐC Non nước Cao Bằng. Phát triển DLCĐ là bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Nùng An từ không gian kiến trúc, ẩm thực, trang phục, dân ca, dân vũ… vừa gắn với sinh kế, hình thành phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Xã thành lập Ban quản lý tại làng nghề, xây dựng kế hoạch đề nghị hỗ trợ, huy động nguồn lực cho hộ dân duy trì và phát huy nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác quảng bá rộng rãi bằng nhiều kênh thông tin. Tham gia các hội chợ, các ngày hội làng nghề để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm giữ vững thương hiệu, uy tín trên thị trường.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn