Cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch Cao Bằng

Thứ tư - 23/08/2023 15:30
Đối với hoạt động du lịch, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng là một trong những yếu tố quan trọng, tạo dấu ấn cho điểm đến, tăng sức hút, hấp dẫn du khách, đồng thời tạo sự lan tỏa, quảng bá hình ảnh điểm đến.
đan lát
Du khách tìm hiểu sản phẩm đan lát tại quầy thông tin, quảng bá du lịch tại Phố đi bộ Kim Đồng

Sản phẩm lưu niệm, quà tặng là đồ vật được sử dụng làm quà tặng hay được giữ lại để làm kỷ niệm. Các sản phẩm như mô hình, biểu tượng liên quan đến địa phương, một bức tranh hay đơn giản là những đồ vật có giá trị sử dụng như: túi xách, mũ, nón, khăn, móc khóa, vòng tay… đều là những sản phẩm lưu niệm, qua đó gửi gắm, truyền tải nhiều thông điệp liên quan đến nét văn hóa đặc trưng, phong tục, tập quán của người dân đang sinh sống tại vùng đất đó.

Khách du lịch chọn mua những sản phẩm này và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, mang ý nghĩa gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm. Sản phẩm lưu niệm, quà tặng có ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa tinh thần, giúp tạo việc làm cho cư dân địa phương, tăng doanh thu cho hoạt động du lịch và tạo dấu ấn riêng, lan tỏa nhiều hơn hình ảnh về điểm đến.

sản phẩm
Sản phẩm bún ngũ sắc, bánh chè lam

Đến tham quan Cao Bằng, nhiều du khách quan tâm, tìm mua các sản phẩm lưu niệm thể hiện nét văn hóa, đặc trưng của các dân tộc thiểu số của địa phương như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô. Hiện nay, cùng với 97 sản phẩm đặc sản đã được gắn sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), các địa phương trong tỉnh còn có một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm giới thiệu đến du khách như: sản phẩm dệt thổ cẩm dân tộc Tày ở Luống Nọi; trang phục nam, nữ trẻ em dân tộc Nùng An; sản phẩm thêu, dệt, in sáp ong, chạm bạc thủ công dân tộc Dao Tiền, Dao Đỏ; các sản phẩm thêu, dệt của dân tộc Lô Lô…

z4604622302752 50c55456abaa6129475f3dd1bc6b5d7b
Vòng bạc, nhẫn bạc của người Dao Tiền (huyện Nguyên Bình)

Nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng được các nghệ nhân sáng tạo mang đậm bản sắc, gắn với văn hóa độc đáo từng dân tộc của tỉnh. Những năm qua, nhằm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, tỉnh quan tâm, khuyến khích người dân sáng tạo các sản phẩm lưu niệm mang nét riêng của văn hóa dân tộc, quê hương. Du lịch Cao Bằng với thương hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” được định hướng phát triển gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch địa chất, du lịch nông nghiệp, văn hóa với các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm và các sản phẩm lưu niệm được phát triển theo các thế mạnh và nét văn hóa đặc trưng của địa phương, khuyến khích sử dụng hoặc kết hợp các chất liệu thủ công truyền thống.

z4604558816248 76fd206ccc24a119aa9bd1062fbebe47
Nhiều du khách lựa chọn sản phẩm dao Phúc Sen tại làng nghề

Cùng với đó, nhiều nông sản, đặc sản Cao Bằng đã vang danh khắp nơi như: lê Đông Khê, quý Trà Lĩnh, hạt dẻ, gạo nếp ong Trùng Khánh, gạo nếp hương Bảo Lạc, miến dong, bún ngũ sắc, lạp sườn hun khói, bánh khảo, khẩu sli, bánh cuốn, bánh áp chao, bánh chè lam, các sản phẩm trà như: trà olong, trà giảo cổ lam, trà xỏm đeng….

Dân tộc Tày
Một số sản phẩm lưu niệm dân tộc Tày

Gắn với định vị bản sắc điểm đến

Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch Cao Bằng. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm ở Cao Bằng vẫn còn đơn điệu; một số sản phẩm chưa tối ưu về chất lượng, kích cỡ; kỹ năng truyền thông, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế...

Dân tộc Nùng
Một số sản phẩm lưu niệm dân tộc Nùng

Thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương cần tăng cường tập huấn cho cộng đồng làm du lịch, người dân hiểu rõ hơn đặc trưng của nơi mình đang gắn bó, từ đó thúc đẩy sáng tạo nhiều sản phẩm lưu niệm mang nét văn hóa vùng đất, con người Cao Bằng. Tăng cường tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo du lịch, qua đó các tác giả có thể chuyển giao hoặc trực tiếp sản xuất các sản phẩm du lịch, lưu niệm, quà tặng phù hợp. Các cơ sở sản xuất ở địa phương tiếp tục quan tâm chọn lọc, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, gần gũi thiên nhiên, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Sài Gong
Phát triển sản phẩm lưu niệm góp phần nâng tầm hình ảnh điểm đến

Cùng với đó, khâu giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, các nhân viên bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch, cửa hàng thủ công mỹ nghệ cần được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để giới thiệu đến du khách những câu chuyện liên quan đến sản phẩm, tính độc đáo, thú vị thể hiện qua chất liệu, nơi sản xuất, bản sắc văn hóa, tài năng sáng tạo của nghệ nhân, thợ thủ công. Qua đó thể hiện thông điệp, định vị bản sắc văn hóa rõ nét hơn trong từng sản phẩm, góp phần tạo ấn tượng cho du khách khi đến du lịch Cao Bằng và lưu giữ những món đồ lưu niệm sau chuyến đi.

 

Tác giả bài viết: An Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây