Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, thành phần dân tộc thiểu số chiếm 95% (dân tộc Tày là 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%...) với những bản sắc văn hoá đặc trưng còn được lưu giữ, có giá trị thực tiễn và giá trị nghệ thuật, đặc biệt là trang phục truyền thống. Đây là các sản phẩm dệt, may, thêu thủ công vốn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và những biến đổi môi trường sống, sự giao thoa văn hóa, kỹ thuật, tạo ra các nguy cơ mất dần những di sản văn hóa, phai nhạt các bản sắc văn hóa và những giá trị truyền thống. Đó là thực tế mà từng dân tộc cũng như tỉnh Cao Bằng đang phải đối mặt.
Tại hội thảo, các đại biểu tham luận, thảo luận làm rõ hơn các vấn đề: Đánh giá giá trị, thực trạng văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, những yếu tố văn hóa đang biến đổi (tích cực, tiêu cực), các xu hướng biến đổi của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; định hướng, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
Kết thúc hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Sầm Việt An đánh giá cao các tham luận, thảo luận với nhiều nội dung phong phú, có ý nghĩa; những ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi, những luận cứ khoa học thực tiễn. Qua đó gợi mở nhiều hướng nghiên cứu trong thời gian tới, là cơ sở để triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Tác giả bài viết: HS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn