TỌA ĐÀM PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH LIÊN QUỐC GIA KHU CẢNH QUAN THÁC BẢN GIỐC

Thứ ba - 07/08/2018 09:36
Ngày 6/8, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia khu cảnh quan thác Bản Giốc. Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trịnh Hữu Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các vụ, viện, cục thuộc Bộ VH-TT&DL; các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao; cơ quan quản lý du lịch Lạng Sơn và một số doanh nghiệp lữ hành; các thành viên thuộc Văn phòng Thường trực của Ủy ban điều phối tỉnh Cao Bằng thực hiện Hiệp định hợp tác bảo về và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc; thành viên Tổ biên tập Đề án Cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc; Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng.
DSC 4754
DSC 4754

 

DSC_4754

                                                                Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các nội dung chính của Dự thảo cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch tại thác Bản Giốc; tính kết nối của Khu du lịch thác Bản Giốc với phần còn lại của Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các CVĐC toàn cầu trong khu vực và trên thế giới.

Khu du lịch thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thuỷ (Trùng Khánh), là nơi chứa đựng các giá trị nổi bật về di sản địa chất và những nét văn hoá, ẩm thực đặc sắc của người Tày, Nùng vùng biên cương, với các điểm tham quan, ngắm cảnh đẹp và có giá trị tâm linh, tiêu biểu như: Động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky, xóm người Tày Lũng Niếc, Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, danh thắng thác Bản Giốc… Với tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xuyên biên giới, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hoá bản địa ở xứ sở thần tiên” được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, cũng là điểm nhấn của CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và có tính kết nối cao với các tuyến trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng, các CVĐC toàn cầu trong khu vực và thế giới.

Việc Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã được ký kết vào năm 2015, là một trong những căn cứ pháp lý cao nhất đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Đức Thiên) là mô hình hợp tác khai thác du lịch đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Khu du lịch thác Bản Giốc còn nhiều khó khăn, hạn chế mang tính đặc thù, như: quy mô đầu tư nhỏ, trình độ quản lý hạn chế, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa khai thác được tiềm năng, những điểm độc đáo, mới lạ, kỳ vỹ của thiên nhiên, bản sắc và các giá trị văn hóa địa phương. Do đó, Khu du lịch thác Bản Giốc cần có cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư lớn, là cơ sở để tỉnh Cao Bằng tạo lập niềm tin, dành ưu đãi đặc biệt và thực hiện cam kết mạnh mẽ với đội ngũ doanh nghiệp thực sự muốn gắn bó và đầu tư lâu dài tại Khu du lịch Bản Giốc.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án như: Cần đầu tư tập trung vào kết cấu hạ tầng cơ sở; có chính sách, quy định chặt chẽ về quản lý Khu du lịch; chú trọng định hướng thị trường trong phát triển du lịch; quan tâm phát triển sản phẩm du lịch, nguồn lực du lịch...

pct k

                                              Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh hữu Khang phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tich UBND tỉnh Trịnh Hữu Khang khẳng định: Buổi tọa đàm là cơ hội quý báu để Cao Bằng được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch để chỉnh sửa, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện Đề án. Giúp Cao Bằng lựa chọn được các cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng vừa chặt chẽ, minh bạch, vừa linh hoạt, hiệu quả, dễ dàng triển khai trên thực tiễn, nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện Hiệp định, sớm đưa Khu du lịch thác Bản Giốc nói riêng, du lịch Cao Bằng nói chung hướng tới sự phát triển bền vững.

tcdl

                                    Đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu kết luận

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị tỉnh tập trung xây dựng cơ chế chính sách đối với  Khu du lịch thác Bản Giốc với phần còn lại của Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; các Sở, ngành của tỉnh có ý kiến bổ sung vào Đề án theo ngành, lĩnh vực mình. Các vụ, viện, cục thuộc Bộ VH-TT&DL và các bộ, ngành Trung ương giúp Cao Bằng xây dựng các dự án cụ thể về kêu gọi đầu tư vào du lịch Cao Bằng, xây dựng các tuyến, tour du lịch đến Cao Bằng cũng như thác Bản Giốc, xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư, quảng bá về hình ảnh, du lịch Cao Bằng; hỗ trợ, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho du lịch Cao Bằng.

Trước đó, ngày 4 - 5/8, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã đi khảo sát sản phẩm du lịch tuyến phía Đông gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên và Khu du lịch thác Bản Giốc.

Dương Liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây