Hồ Thang Hen quanh năm nước trong xanh. |
Quần thể hồ Thang Hen được ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông - hang ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét, tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (Hòa An). Tên hồ được đặt theo tiếng địa phương, như: Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi... có từ hàng trăm năm nay, trong đó Thang Hen là hồ lớn nhất với chiều dài gần 2.000 m, rộng 500 m và sâu tới 40 m, được bao quanh bởi những tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo.
Thang Hen theo tiếng địa phương có nghĩa là “đuôi ong”, bởi từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy toàn cảnh hồ có hình dạng tựa như đuôi một con ong khổng lồ. Quần thể hồ Thang Hen nằm trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Theo các nhà khoa học, quần thể hồ - sông - hang ngầm Thang Hen phát triển trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Ở nơi giao nhau giữa các hệ đứt gãy phương Tây Bắc - Đông Nam, Đông Bắc - Tây Nam, á kinh tuyến và á vĩ tuyến. Các hồ nằm ở đáy các lũng kín, xung quanh là các đỉnh vẫn còn liên kết với nhau qua các yên ngựa thấp, tạo nên cảnh quan karst dạng cụm lũng - đỉnh điển hình. Các đỉnh khá bằng nhau, là tàn dư của một bề mặt san bằng ở độ cao khoảng 650 m, trong khi đáy các lũng dao động trong khoảng 550 - 600 m. Các ngấn nước cho thấy mực nước hồ dao động trong khoảng 20 m xung quanh mức 600 m. Một vài tầng hang hóa thạch quan sát thấy trong khoảng độ cao 600 - 650 m trong khi hang hoạt động còn ở mức thấp hơn. Theo kết quả khảo sát năm 2012 của đoàn chuyên gia hang động Pháp - Việt, một phần hệ thống hang ngầm kết nối với hồ Thang Hen phát triển tới 820 m theo phương á kinh tuyến và á vĩ tuyến và sâu tới 54 m so với địa hình hiện tại.
Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen đang được đầu tư khá quy mô, với hệ thống khu nhà sàn gỗ với hàng trăm phòng ngủ, nhà hàng ăn uống, sân chơi tennis... sẵn sàng phục vụ khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng. Ở đây, du khách có thể thưởng thức các món từ hồ Thang Hen như: cá rầm xanh, cá anh vũ, tôm núi, gà đồi, lợn quay, rau bò khai…; và trong cảm giác lâng lâng từ hương vị nồng ấm của rượu ngô, men lá, du khách sẽ được đắm chím trong làn điệu ngọt ngào của câu sli, câu lượn say đắm lòng người.
Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen được đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch. |
Cũng trong Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen, một điểm đến hấp dẫn không kém đối với khách du lịch đó là núi “Mắt Thần” hay Núi thủng (tiếng Tày là "Phja Pjót). Nét độc đáo của hệ thống hồ Thang Hen là các hồ liên thông với nhau và với các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Đến tham quan núi Mắt Thần vào mùa mưa (tháng 6 - 8), sau khi đi hết con đường mòn, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hồ nước rộng khoảng 15 ha có tên là Nặm Trá. Nhưng vào mùa khô (từ tháng 9 trở đi) cũng tại đây người dân địa phương lại có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ. Phía bên phải, cách hồ khoảng 500 - 600 m, đi bộ mất 10 phút là thác nước Nặm Trá trên dòng suối cùng tên, cũng là một thác nước đẹp đáng để tham quan.
Đến với quần thể hồ Thang Hen ta còn có thể bắt gặp nhiều thông tin địa chất lý thú khác như các hóa thạch cổ sinh (Huệ biển, Trùng thoi)... trong đá vôi, các facet dấu ấn của hoạt động đứt gãy. Quần thể hồ Thang Hen xứng đáng là một di sản địa chất tầm cỡ quốc tế vì những giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ của nó.
Nguồn Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn