Khách du lịch đến tham quan thác Bản Giốc. |
TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cũng như của huyện, thời gian qua, Trùng Khánh đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, như: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao; Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc do Tổng Công ty du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai giai đoạn 2 và hoàn thiện thiết kế các hạng mục: bể bơi, dịch vụ spa, điểm ngắm cảnh… Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức trồng 300 cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường tại Khu du lịch thác Bản Giốc; phối hợp với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) xây dựng 2 nhà du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy; tổ chức lớp đào tạo, truyền dạy văn nghệ tại xã Đàm Thủy nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện và phục vụ du lịch...
Các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn ngày càng phát triển. Hiện toàn huyện có 18 cơ sở lưu trú du lịch với 240 phòng nghỉ, riêng trong phạm vi Khu du lịch thác Bản Giốc có 6 cơ sở lưu trú, với tổng số 94 phòng nghỉ, trong đó có 1 khu nghỉ dưỡng 4 sao. Các cơ sở lưu trú đã được thẩm định và ra quyết định công nhận loại, hạng cho cơ sở đạt tiêu chuẩn.
Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện phát triển, như: Du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc (Đàm Thủy), các điểm du lịch sinh thái hồ Bản Viết, thác Thoong Ma, đền Hoàng Lục, du thuyền trên sông Quây Sơn, tổ chức lễ hội du lịch Bản Giốc... Nhằm tạo ra những sản phẩm mới lạ phục vụ du khách có nhu cầu làm quà lưu niệm khi đến du lịch tại huyện Trùng Khánh, UBND huyện đã tổ chức Hội thi sáng tạo, tìm kiếm sản phẩm du lịch năm 2017, nhận được trên 200 tác phẩm từ 20 xã, thị trấn dự thi. Qua đó, chọn được những sản phẩm tiêu biểu, có giá trị, có tính thẩm mỹ cao để đưa vào phục vụ du lịch của huyện. Ngày 7 - 8/10/2017, UBND huyện Trùng Khánh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính tỉnh Cao Bằng lần thứ I năm 2017, thu hút trên 20.000 người và du khách, góp phần tôn thêm hình ảnh và sự thiện cảm của du khách đối với địa phương...
CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ GỠ NHỮNG “NÚT THẮT”
Có thể thấy, những năm gần đây, du lịch ở Trùng Khánh đã có sự phát triển đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, tài nguyên du lịch ở Trùng Khánh rất phong phú và đa dạng nhưng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các loại hình dịch vụ phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư; môi trường bị xuống cấp, ô nhiễm... Việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch chưa được đồng bộ nên nhận thức về vai trò của du lịch còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch chưa được thường xuyên. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch chủ yếu do Nhà nước thực hiện, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành còn thụ động, chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng các chương trình du lịch trong tỉnh và kết nối tour tuyến với các tỉnh, thành trong khu vực.
Việc thu hút đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động phát triển du lịch còn ít. Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày. Nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo về du lịch, do vậy chất lượng phục vụ khách chưa cao...
Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu phát triển kinh tế. Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư du lịch đồng bộ; phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường; đưa Trùng Khánh trở thành huyện phát triển cao, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đến năm 2020 đạt 15.000 lượt khách quốc tế, trên 500.000 lượt khách nội địa đến tham quan trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện luôn xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; những nét văn hóa và lễ hội đặc sắc của huyện. Chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những lợi thế của huyện và gần với các thị trường lớn; tăng cường đầu tư trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại khu, điểm du lịch trong huyện; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư dịch vụ du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhằm phát triển du lịch một cách bền vững. Cùng với đó, liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch về địa phương, cũng như tổ chức những ngày hội văn hóa, giải thể thao, lễ hội du lịch, xây dựng những sản phẩm mang tính thương hiệu của địa phương. Liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thể của địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn