Cuộc sống bình dị là nét hấp dẫn du khách khi đến với làng đá cổ người Tày làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). |
Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Cao Bằng tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn có những bản sắc văn hóa riêng, nhất là các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng. Cùng với các loại hình dịch vụ phát triển, hệ thống cơ sở lưu trú mở rộng, hạ tầng giao thông thuận lợi là những lợi thế để địa phương phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa sẵn có.
Thúc đẩy phát triển loại hình DLCĐ trên địa bàn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 78/2021/Nq-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tận dụng những lợi thế sẵn có, tỉnh lựa chọn, quy hoạch và phát triển các điểm DLCĐ có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào các DTTS ít người; đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ các hộ làm DLCĐ, phát triển các sản phẩm, sản vật đặc trưng của từng vùng…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Thực hiện quan điểm của Đảng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", phát triển dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, vừa giữ được "cái hồn" của văn hóa bản địa, vừa góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là DLCĐ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, loại hình DLCĐ phát triển tại một số điểm như: bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); làng đá cổ người Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); điểm DLCĐ Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); điểm DLCĐ xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) nơi 100% đồng bào dân tộc Dao Tiền sinh sống... Tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để phát triển thành điểm DLCĐ mới như: Bản Giuồng, xã Tiên Thành; Bản Pác Búng, xã Độc Lập và xóm Khâm Thành, xã Tự Do (Quảng Hòa); xóm Bản Chang, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)...
DLCĐ mang lại lợi nhuận cho người dân địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ, hướng dẫn, bán sản phẩm địa phương... Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch từ thuần nông sang dịch vụ du lịch. Đó là nguồn động viên, khích lệ để người dân tích cực chung sức tham gia phát triển DLCĐ. Bên cạnh đó, việc phát triển DLCĐ giúp bảo tồn, khôi phục, phát triển một số nghề truyền thống, phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của các DTTS.
Làng đá cổ Khuổi Ky, hiện là làng DLCĐ kiểu mẫu của Cao Bằng. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khuổi Ky là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. Từ năm 2016, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, người dân chịu khó học hỏi về cách làm DLCĐ. Đến nay, Khuổi Ky có 10 hộ gia đình tham gia mô hình này. Từ đó, các hộ có thêm nguồn sinh kế ổn định, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rõ rệt.
Ông Nông Ích Đính, Trưởng xóm Khuổi Ky chia sẻ: Từ khi làng đá được công nhận, nhiều khách du lịch đến đây, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng tham gia làm du lịch, không đón khách lưu trú thì cung cấp dịch vụ như chở khách, cung cấp nông sản sạch cho các hộ làm homestay. Cuộc sống của người dân được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Hiện, hộ nghèo của xóm chỉ còn 6,4%.
Loại hình DLCĐ được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng do người dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.400 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trọng tâm là phát triển du lịch gắn phát triển nông nghiệp nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất về nhận thức, hành động trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên bảo tồn những giá trị văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn