Những điểm tham quan thú vị ở Hạ Lang

Thứ hai - 24/09/2018 14:40
Sau khi tham quan thắng cảnh Khu du lịch Bản Giốc, xuôi về hạ nguồn sông Quây Sơn theo đường vành đai biên giới, du khách sẽ bước chân vào vùng đất của huyện Hạ Lang để khám phá những điểm di tích, thắng cảnh và nhiều di sản địa chất của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

 

Đứng ở vị trí trên đồn Pháp tại xã Lý Quốc nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh thung lũng Bằng Ca yên bình, tươi đẹp.

Điểm đầu tiên, du khách tham quan khám phá một di tích có từ thời Pháp thuộc. Đó là đồn Pháp ở xã Lý Quốc. Trong thời gian hơn 60 năm có mặt ở Cao Bằng, người Pháp đã chiếm đóng những vị trí quan trọng dọc biên giới Việt - Trung, thủ phủ Cao Bằng cũng như các khu vực giàu có khoáng sản hay điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghĩ dưỡng. Các di tích còn lại đến nay chủ yếu ở dạng đồn bốt, doanh trại, biệt thự, nhà nghỉ..., phân bố ở những nơi có địa hình, địa vật, điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ, kiểm soát, khống chế, khai thác khoáng sản... Một trong những di tích đó là đồn của quan hai người Pháp được xây dựng trên núi Phja Rạc, xóm Bằng Ca, ngay sát đường tỉnh 206.
Từ dưới chân núi có thể đi ô tô theo đường xoáy trôn ốc rộng khoảng 6 - 8 m lên tới đỉnh. Trên đó có bề mặt bằng phẳng rộng khoảng l ha. Dấu tích đồn Pháp còn lại ngày nay là phần móng đồn còn nguyên vẹn, với 2 hệ thống tường vòng ngoài và vòng trong, một số chỗ vẫn còn sót lại những đoạn tường vòng ngoài cao khoảng 5 m, tường vòng trong cao khoảng 3 m và một vài đoạn tường nhà ở của các quan Pháp và binh lính.
Đứng trên đỉnh Phja Rạc, bạn sẽ quan sát được bức tranh toàn cảnh độc đáo của cả thung lũng Bằng Ca. Xa hơn một chút là hệ thống núi đá vôi dạng dãy bao quanh thung lũng như một hệ thống phòng thủ tự nhiên bảo vệ sự bình yên cho bản làng nơi đây.
Tiếp đó, quý khách sẽ đến hang Dơi, nằm trong một dãy núi cách đường dân sinh 700 m ở xã Đồng Loan. Hang được công nhận là Danh thắng quốc gia theo Quyết định số 622/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Hang Dơi nằm trên lưng chừng một ngọn núi của thôn Lũng Súm. Đây là một hang động còn rất hoang sơ, có những nhũ đá hình thù kỳ thú, nhiều màu sắc, nhiều hồ nước nhỏ, thác “vàng”, thác “bạc”...
Sau khi đã thăm các điểm di tích cùng khám phá hang động, du khách hãy đến thị trấn Thanh Nhật để cùng thắp nén nhang ở Chùa Sùng Phúc cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc và nghe kể về cuộc đời của nữ tiến sỹ duy nhất trong lịch sử khoa cử thời phong kiến Việt Nam.
Chùa Sùng Phúc nguyên là chùa Sùng Khánh, tương truyền được xây từ thời nhà Trần trên đỉnh núi Pò Kiền. Đến triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1746) niên hiệu Cảnh Hưng thì chùa được di dời xuống cánh đồng Huyền Du, nay là thị trấn Thanh Nhật và đổi tên là Sùng Phúc. Chùa thờ ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) - tri châu Hạ Lang - người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản ở đây.

Múa rồng trong lễ hội chùa Sùng Phúc. Ảnh: Huy Hùng

Chùa Sùng Phúc còn liên quan tới bà Nguyễn Thị Duệ, đỗ tiến sỹ đầu bảng Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều Mạc), qua đó trở thành nữ tiến sỹ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.
Chùa Sùng Phúc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 68-VH/QĐ ngày 29/1/1993. Hằng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) tại đây lại diễn ra Lễ hội chùa Sùng Phúc để du khách muôn phương và nhân dân trong tỉnh được đến cầu an và vãn cảnh chùa.
Ngoài những điểm trên, du khách có thể tham quan phong cảnh thiên nhiên của một huyện biên giới, thăm một số điểm di sản địa chất của vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như điểm hóa thạch Tay cuộn ở xã Minh Long.

 
Minh Hòa

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây