Vượn Cao Vít là một trong những loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm và đã được liệt vào danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới. Loài linh trưởng này đã được các nhà khoa học của Tổ chức FFI Việt Nam tái phát hiện vào năm 2002, tại khu rừng thuộc xã Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh). Ngày nay, khu rừng thuộc địa phận ba xã trên đã trở thành Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít. Theo cuộc điều tra năm 2021, quần thể vượn đã được phục hồi và phát triển từ 25 - 26 cá thể khi mới phát hiện lên 74 cá thể.
Ngày hội là một trong những hoạt động rất quan trọng góp phần giúp học sinh và người dân thêm hiểu, thêm yêu và thêm tự hào về loài vượn Cao Vít quý hiếm ở Việt Nam (hiện nay chỉ có ở Trùng Khánh, Cao Bằng).
Để trẻ em thêm hiểu, thêm yêu quý loài vượn, Ngày hội còn phát động cuộc thi vẽ tranh và chấm giải tranh vẽ, gồm 30 tác phẩm với chủ đề “Em yêu vượn Cao Vít” đến từ các đơn vị trường học thuộc địa bàn ba xã nơi có loài vượn sinh sống.
Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra phần thi kỹ năng tuyên truyền bảo vệ vượn Cao Vít của ba xã: Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn; thi trả lời các câu hỏi và tình huống về bảo vệ vượn, rừng, khu bảo tồn, đa dạng sinh học và động vật hoang dã; thi trang trí trại; thi nấu ăn; giải bóng chuyền hơi nam, nữ; và một số trò chơi dân gian như: kéo có, lày cỏ, ném còn...
Tại Ngày hội còn có các trò chơi dành cho trẻ em như: “Tìm thức ăn cho vượn”, “Chiến binh rừng xanh”, vẽ tranh, tô màu...
Có thể thấy, Ngày hội là dịp để bà con nhân dân, du khách và các em học sinh được giải trí, thư giãn, tham gia các hoạt động vui vẻ, sáng tạo và ý nghĩa. Từ đó, hoạt động cũng nhằm nâng cao sự hiểu biết về một số loài động, thực vật hoang dã, sinh cảnh, kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ vượn Cao Vít cho nhân dân bản địa và du khách tham gia sự kiện.
Tác giả bài viết: Hoài Niệm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn