Chùa Phố Cũ (trước đây còn có tên gọi là Quan Đế Miếu) tọa lạc tại tổ 1, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Ngôi chùa được xây dựng vào đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 (1679), ban đầu thờ Quan Vân Trường nên được gọi là Quan Đế Miếu. Đến thời nhà Nguyễn, chùa được sửa chữa lại, cải tạo nhiều lần, có xây thêm gian hậu cung, có bàn thờ Tam cấp để thờ Phật.
Hiện chùa còn lưu giữ 5 tấm bia đá khắc bằng chữ Hán - Nôm, thời nhà Nguyễn là các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái ghi nhận công đức, cống hiến tiền của cho chùa. Trải qua thời gian, chùa bị xuống cấp, năm 1945, nhân dân địa phương đã quyên góp trùng tu, xây thêm lầu ở hai cung chính, kiến trúc hoa văn kiểu hoa thị, đắp rồng chầu thời nhà Nguyễn. Sau khi trùng tu chùa, nhân dân rước thêm đức thánh Trần (Hưng Đạo đại vương) về phụng thờ. Chùa Phố Cũ là ngôi chùa thờ tiền Thánh - hậu Phật, cho nên trong chùa được chia thành hai phần thờ chính là thờ Thánh và thờ Phật.
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn là di tích lịch sử cách mạng. Tại đây, ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh và Thị xã Cao Bằng tổ chức mít tinh, thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời của Thị xã Cao Bằng và lễ ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Cao Bằng.
Với những giá trị về văn hóa - lịch sử, chùa Phố Cũ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 31/12/2002.
Lễ hội là dịp để nhân dân, du khách du xuân, trẩy hội, cầu tài, cầu lộc, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc… Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi như: Chương trình văn nghệ đặc sắc mừng Đảng, mừng xuân; trưng bày sách; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản miền Non nước Cao Bằng đến từ các gian hàng của 12 tổ dân phố nằm trên địa bàn phường Hợp Giang; các trò chơi dân gian đặc sắc (cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, múa sạp, lày cỏ…), thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội tại chùa Phố Cũ hàng năm đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; tăng thêm tình đoàn kết dân tộc; góp phần giới thiệu, quảng bá về giá trị di tích văn hóa - lịch sử, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.
Tác giả bài viết: Hoài Niệm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn