Cứ ba năm một lần vào năm nhuận, Lễ hội Nàng Hai tại xóm Chu Lăng - Bó Chàm sẽ được tổ chức thể hiện ý nghĩa cầu mùa, cầu phúc và cầu nhân duyên. Đây là một lễ hội phản ánh tục thờ mẹ thông qua nghi lễ đặc trưng là xuất nhập hồn – một hiện tượng shaman giáo của tín ngưỡng nguyên thủy. Lễ hội gồm có ba phần chính là: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Trong mỗi phần đều có những lễ vật khác nhau.
Lễ hội truyền tải hai nội dung chính: thứ nhất là tưởng nhớ đến nàng công chúa Tiên Dao của nhà Mạc – người đã sáng tạo những làn điệu dân ca lượn Slương, lượn Nàng Hai. Những làn điệu đó được coi là linh hồn của lễ hội và ngày nay đã trở thành một nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào Tày bản địa. Thứ hai là để mời các Nàng Hai – tức các con gái của Mẹ Trăng ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp dân làng làm ăn, giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, lễ hội Nàng Hai thực sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xóm Chu Lăng - Bó Chàm.
Đặc biệt, lễ hội năm nay còn có các tiết mục giao lưu văn nghệ với những làn điệu hát Then, dân ca ngọt ngào sâu lắng của người dân nơi đây; thi đấu Lày Cỏ - một bộ môn mang đậm màu sắc văn hóa bản địa được diễn ra giữa các đội, thể hiện sự tài trí của các vận động viên.
Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn