Khai thác hiệu quả di sản văn hóa, sản phẩm du lịch
Ngay những ngày đầu diễn ra, Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) năm 2023 đã thu hút khá đông du khách gần xa. Các hoạt động như: Trình diễn di sản Then, nghệ thuật chế tác đàn tính, tuồng cổ Dá hai, múa lân nhằm tái hiện một phần đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đây là cơ hội để các nghệ nhân có thêm ý thức và kinh nghiệm làm du lịch. “Được trình diễn nghệ thuật hát then tại một sự kiện lớn, tôi thấy rất vinh dự. Đây cũng là dịp để bà con giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống” - Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Thà, thị trấn huyện Nguyên Bình bày tỏ.
Khách tham quan khu trình diễn đi sản văn hóa phi vật thể.
Khi những tiếng then, đàn tính cất lên hòa cùng với tiếng sáo, nhị, chũm chọe và những màn múa lân khắp không gian lễ hội cũng là lúc du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa.
Tại phố đi bộ Kim Đồng, khu Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản đặc trưng địa phương và trình diễn chế biến các món ăn với sự tham gia của 16 gian hàng là lựa chọn của nhiều du khách. Các hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, các huyện trong tỉnh trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo chất lượng như: Hạt dẻ, lạp sườn, thịt hun khói, miến dong, gạo nếp ong, thịt lợn quay, vịt quay, bánh khảo, mật ong, măng khô, các loại tinh dầu, dược liệu…
Anh Hoàng Nhật Thanh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Tôi rất may mắn khi đến Cao Bằng đúng vào Tuần VHTTDL này. Những gian hàng đặc sản địa phương thật sự rất hấp dẫn và độc đáo. Nhiều món ăn như hạt dẻ, bánh cuốn lần đầu tiên tôi thưởng thức thấy hương vị rất đặc biệt. Chắc chắn khi quay về tôi sẽ mua một số món ngon của địa phương để làm quà cho người thân.
Cũng trong dịp này, du khách còn được hòa mình vào khu Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 28 năm 2023, Triển lãm ảnh “Sắc màu non nước Cao Bằng”, trưng bày hơn 210 tác phẩm của 185 tác giả phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, những thành tựu kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước của 15 tỉnh thành.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần VHTTDL năm nay, những màn tranh tài sôi nổi, hấp dẫn của các hoạt động thể thao, như: Giải Quần vợt các Câu lạc bộ quốc gia năm 2023, Trình diễn dù lượn “Bay trên miền Non nước” năm 2023, Giải Lày cỏ, Giải Bóng bàn mở rộng lần thứ III thành phố Cao Bằng năm 2023, tiết mục dân vũ với sự tham gia của 3.000 người tại phố đi bộ Kim Đồng… cũng là các hoạt động ý nghĩa thu hút đông đảo du khách. Tất cả các di sản văn hóa dân gian của nhân dân các dân tộc vùng non nước Cao Bằng được khai thác hiệu quả trong Tuần VHTTDL năm 2023 để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách trong tương lai.
Cơ hội quảng bá, kích cầu du lịch
Điểm nhấn của Tuần VHTTDL năm 2023 là chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Tuần VHTTDL năm 2023 và Lễ đón Bằng Chứng nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sau kỳ tái thẩm định lần 1.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Tuần văn hóa, thể thao, du lịch năm 2023.
Với chủ đề “Lung linh non nước Cao Bằng”, tiết mục nghệ thuật mở màn cùng chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” với 2 chương: “Cao Bằng non nước ngàn năm” và “Cao Bằng - Bản sắc - Hội nhập - Phát triển” do Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Ái và hơn 260 diễn viên, nghệ sỹ Đoàn nghệ thuật quần chúng Thành phố biểu diễn đã thể hiện được nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của dân tộc vùng non nước Cao Bằng từ ngày mới thành lập tỉnh đến nay.
Chương trình nghệ thuật được xem là một lễ hội đặc biệt, bởi sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, giờ đây “bữa tiệc nghệ thuật” mới tụ hội trở lại ở vùng đất biên cương Tổ quốc này nên được du khách, người dân rất háo hức chờ đợi. Chị Lục Thị Nhung, xã Phong Châu (Trùng Khánh) phấn khởi chia sẻ: Dù sống ở Cao Bằng, lớn lên trong cái nôi cách mạng, được tắm mình trong những làn điệu dân ca của dân tộc mình, nhưng đã lâu rồi tôi không được xem một chương trình nghệ thuật tái hiện lại cả quá trình từ lúc mới thành lập và phát triển tỉnh Cao Bằng như thế này. Tôi thấy rất ấn tượng với các tiết mục nghệ thuật được trình diễn trong đêm khai mạc hôm nay.
Đặc biệt sự kiện Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO cấp Bằng Chứng nhận sau kỳ tái thẩm định lại lần 1 đã góp phần định vị giá trị du lịch cho Cao Bằng. Các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, văn hóa truyền thống đặc trưng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh được khai thác và phát huy hiệu quả trong những năm qua.
Thực tiễn chứng minh danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu giúp Cao Bằng giới thiệu, quảng bá các giá trị lịch sử, di sản địa chất, phong cảnh thiên nhiên và nét đẹp văn hóa của Cao Bằng nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới. Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng gắn với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Riêng trong 2 năm 2018 - 2019, số lượng khách du lịch đến với Cao Bằng tăng nhanh, trên 2,8 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt trên 840 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng khá ấn tượng: Tổng lượt khách đạt trên 2,9 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt 1.315 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Lan Hương, Trưởng ban Khoa học tự nhiên, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng Chứng nhận CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng sau kỳ tái thẩm định lần 1 cho tỉnh Cao Bằng.
Đồng chí Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần VHTTDL năm 2023, khẳng định: Tuần VHTTDL năm 2023 được tổ chức với chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn du khách. Thông qua sự kiện VHTTDL này cùng với việc đón Bằng Chứng nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO sau kỳ tái thẩm định lần 1, Cao Bằng muốn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch của Cao Bằng. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thu hút mạnh mẽ khách du lịch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng; xây dựng và phát triển Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo bước chuyển biến trong hoạt động du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa du lịch Cao Bằng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sôi động, đặc sắc, đa sắc màu, Tuần VHTTDL năm 2023 góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp về đất và người vùng non nước Cao Bằng đến bạn bè muôn phương. Qua Tuần VHTTDL này, Cao Bằng kỳ vọng đón một lượng lớn du khách đến trải nghiệm và khám phá không gian văn hóa đặc sặc, những danh lam thắng cảnh độc đáo, tạo tiền đề, cơ hội cho Cao Bằng quảng bá, kích cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang bản sắc văn hóa vùng miền độc đáo, ấn tượng, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn