Làng cổ người Tày vùng sơn cước

Thứ hai - 16/07/2018 09:09
Xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Phục Hòa) là ngôi làng cổ của người Tày với những mái nhà sàn và con người chăm chỉ lao động, cuộc sống yên bình, âm thầm gìn giữ vẹn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống hòa với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng… đã tạo nên không gian cổ kính, đậm đà bản sắc của người Tày.
Làng cổ người Tày vùng sơn cước

 

Những nếp nhà sàn Bản Giuồng có niên đại hàng trăm năm nằm dưới chân núi.

NƠI HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG NGƯỜI TÀY
Khung cảnh ở Bản Giuồng đẹp và cuốn hút bởi cảnh sắc tự nhiên vốn có của nó. Đứng trên cao nhìn xuống, Bản Giuồng là một lòng chảo tuyệt đẹp bởi cánh đồng lúa, ngô bát ngát, xen giữa là những con đường nhỏ, dòng suối nước trong mát uốn lượn quanh làng. Những ngôi nhà sàn ở Bản Giuồng đã hàng trăm tuổi vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc nhà sàn cổ. 
Bà Đinh Thị Ít, xóm Bản Giuồng chia sẻ: Phụ nữ Tày ở làng từ xưa tự trồng bông, dệt vải. Tất cả chăn, màn, quần áo, khăn, thắt lưng đều nhuộm màu chàm, do bàn tay khéoléo của người phụ nữ làm ra. Hiện nay, nhiều quần áo, chăn màn... đều có bán sẵn ngoài chợ rất tiện dụng, đa dạng kiểu dáng nên trang phục truyền thống không còn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng vào các dịp lễ, tết, đám cưới…, trang phục truyền thống vẫn được mọi người mặc. 
Bên cạnh nghề dệt, người dân nơi đây còn có nghề đan lát truyền thống, sử dụng nguyên liệu chủ yếu là nứa, vầu, tre gai để làm ra những loại sản phẩm phù hợp với từng chức năng phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động như hòm đựng quần áo, thúng, mẹt, giỏ, sọt, bồ thóc…, những sản phẩm đan lát vừa đặc sắc, tinh tế vừa bền chắc. 
Bản Giuồng là vùng đất cổ người Tày còn bởi vì nơi đây lưu giữ vốn văn hóa dân gian từ bao đời. Người Tày nơi đây có nhớ và kể hàng trăm câu chuyện cổ, câu tục ngữ, câu đố và bài hát then cổ truyền cùng với các phong tục truyền thống, như: Lễ ăn cơm mới, lễ cúng then, lễ mừng nhà mới, lễ cưới, đám ma... Đặc biệt, xóm Bản Giuồng chính là 1 trong 2 nơi tại xã Tiên Thành luân phiên tổ chức Lễ hội Nàng Hai độc đáo vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Văn hóa ẩm thực Bản Giuồng rất đa dạng, độc đáo và mang đậm dấu ấn đặc trưng của người Tày. Bữa ăn thường ngày có món mặn từ thịt lợn, cá… và rau xanh tự trồng. Đặc biệt, các món ăn truyền thống của người Tày, như: thịt vịt, lợn lạp, hém cá, hém thịt… được người dân nơi đây khéo léo chế biến và lưu giữ nguyên hương vị truyền thống.

Phụ nữ Bản Giuồng gìn giữ trang phục truyền thống.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG 
Bản Giuồng có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán... đậm đà bản sắc nên có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Do đó, từ năm 2017, đã có nhiều đoàn công tác các cấp, một số doanh nghiệp đến khảo sát để chuẩn bị mở điểm du lịch cộng đồng tại xóm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa Đàm Thế Trang cho biết: Bản Giuồng có nhiều tiềm năng du lịch nên từ đầu năm 2018, huyện đã chỉ đạo xã Tiên Thành, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cơ bản, như: Khảo sát, rà soát tình hình kinh tế - xã hội, phong tục tập quán…; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các hạng mục đáp ứng yêu cầu để mở tour du lịch cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cho người dân… Trong quý II/2018, sẽ có 2 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh phối hợp với huyện tổ chức khảo sát và trải nghiệm trực tiếp tại xóm. Nếu thuận lợi đây sẽ là tiền đề để cộng đồng dân cư Bản Giuồng tham gia làm du lịch với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể dân tộc Tày, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững. Mặt khác, phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân thông qua các dịch vụ phục vụ khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, các món ăn, đồ uống đặc sản của địa phương.
Hy vọng rằng chỉ thời gian ngắn nữa điểm du lịch cộng đồng Bản Giuồng sẽ thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm, cảm nhận khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thơ mộng, hữu tình, con người hồn hậu, cởi mở và mến khách, văn hóa truyền thống giàu bản sắc.

 
Thúy Hằng

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây