Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung, cách thành phố Cao Bằng 52 km. Nơi đây từng là “đại bản doanh”, “ngôi sao cách mạng” của cả nước, cũng là quê hương thứ hai của Bác Hồ kính yêu.
Năm 1970, Khu di tích Pác Bó được thành lập và mở cửa đón khách tham quan. Năm 1975, Khu di tích được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia, đến năm 2012, được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam vào những năm 1941 - 1945.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Trước khi về nước, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát lệnh đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.” Chính vì thế, Người đã quyết định chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, ngày Bác về là 28/01/1941.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó có hơn 50 điểm di tích khác nhau, trong đó có nhiều điểm di tích quan trọng gắn bó với Bác trong thời gian hoạt động cách mạng tại đây như: suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, nền nhà ông Lý Quốc Súng, bàn ghế đá Bác ngồi làm việc,… Đặc biệt tại lán Khuổi Nặm, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941). Người về nước hoạt động cách mạng một thời gian ngắn đã xây dựng được một vùng căn cứ địa rộng lớn và thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước phát triển. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 19/5/1941, đến ngày 01/8/1941, báo Việt Nam Độc lập - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minhra đời.Tại đây, Người còn biên soạn thêm các tài liệu khác như: Cách đánh du kích, Nhi đồng cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc,thưKính cáo đồng bào, … Đến cuối năm 1944, Bác ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.
Năm 2010, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tíchQuốc gia đặc biệt Pác Bó để đồng bào cả nước và khách thập phương chiêm ngưỡng, tưởng nhớ công ơn của Người mỗi khi có dịp về thăm Cao Bằng. Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi Tếnh Chấy linh thiêng, thuộc khu vực trung tâm của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Dưới chân núi là dòng suối Lê Nin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy. Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà trưng bày khu di tích được xây dựng ngay tại điểm đầu đường vào Pác Bó. Tại vị trí trang trọng phía trong Đền thờ, nổi bật là bức hoành phi nạm vàng với câu "Hồng nhật cao minh", nói lên công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu.Hai bên là đôi câu đối:
“Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó
Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng.”
Về thăm Pác Bó, du khách sẽ như được trở lại không khí của một thời kháng chiến gian khổ, trường kỳ của dân tộc, cảm nhận nỗi vất vả nhưng đầy lạc quan ở nơi mà Bác Hồ đã từng sống và làm việc. Vẫn còn đây con suối Lê Nin trong mát hiền hòa, ngọn núi Các Mác sừng sững, hang Cốc Bó còn nguyên bút tích của Người khắc trên vách đá, Khuổi Nặm rì rào, Cột mốc biên giới Việt - Trungsố 108 - nơi Bác đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc, trở về đất mẹ trong một ngày đầu xuân năm 1941…
Pác Bó hôm nay vẫn núi thiêng hùng vĩ, trong veo tiếng suối ngàn như phút thiêng liêng mùa xuân xưa đón Người. Già Thu như vẫn ở nơi đây, bao tình cảm gắn bó với bà con không thể phai mờ. Muôn lòng dân làm theo lời Bác, đón Người về mỗi độ xuân sang.
“Ai đã đến, ai chưa đến đó
Có hòn núi Mác, suối Lê-nin
Hãy về thăm quê ta Pác Bó
Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh”...
Tác giả bài viết: An Bình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn