Khám phá và trải nghiệm miền non nước Cao Bằng

Thứ ba - 12/01/2021 03:41
Có lẽ không nơi nào trên dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S lại có tên gọi gắn với cụm từ “miền non nước” như ở Cao Bằng. Vùng đất sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét nguyên sơ và giàu truyền thống lịch sử cách mạng…

Nhân dịp về thăm mảnh đất Cao Bằng, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những nét độc đáo của “miền non nước” này thông qua chương trình du lịch ba ngày hai đêm.

Ngày thứ nhất

Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lên Cao Bằng, trên suốt dọc đường đi là những dốc đèo uốn lượn với mây mù bao phủ... Lên Cao Bằng, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố 52km về phía Bắc. Nơi đâycó núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình và là mảnh đất cội nguồn cách mạng Việt Nam.

du khách chăn cá XQ
Suối Lê Nin trong xanh hiền hòa

Tại Pác Bó, chúng tôi được tham quan những điểm di tích có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng như: cột mốc biên giới Việt - Trung số 108- nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt những bước chân đầu tiên trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước; suối Lê Nin, núi Các Mác; hang Cốc Bó; bộ bàn ghế đá - nơi Bác viết nhiều tài liệu, thơ ca để tuyên truyền cách mạng, dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, cụm di tích lán Khuổi Nặm - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, nơi ra đời tờ báo Việt Nam Độc lập (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh)… Tất cả các địa danh thiêng liêng đó đã đi vào lịch sử, vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.

Tại đây, mỗi du khách tham quan Khu di tích chỉ mất vé vào cổng là 20.000 vnđ/người/lượt và vé xe điện (dịch vụ bổ sung) là 20.000 vnđ/người.

Từ mảnh đất cội nguồn cách mạng, chúng tôi tiếp tục hành trình di chuyển đến điểm di sản địa chất Cúc đá Lũng Luông thuộc địa phận xóm Lũng Luông, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng. Hóa thạch Cúc đá tìm thấy được hình thành cách ngày nay khoảng 260 triệu năm. Cúc đá là tên gọi của một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt. Điều đó khiến các thành viên trong đoàn vô cũng ngỡ ngàng khi biết rằng, trong quá khứ hàng trăm triệu năm trước,nơi này đã từng là biển. Nhưng hiện tại, đây lại là khu vực thiếu nguồn nước tự nhiên, cuộc sống của người bản địa chủ yếu nhờ vào nguồn nước mưa, xe tiếp nước hay hồ chứa.

Khi ánh chiều dần tắt cũng là lúc chúng tôi di chuyển về chợ ẩm thực thành phố để thưởng thức các món ăn đặc trưng của Cao Bằng như: xôi trám, vịt quay, lợn quay, canh măng, canh miến, lạp sườn, thịt kho trám đen… và trải nghiệm những trò chơi dân gian, các tiết mục văn nghệ tại Phố đi bộ Kim Đồng.
 

z2275436831328 5138bed43eaeef9a3a995e100d4a01e5 (1)
Toàn cảnh phố đi bộ

Ngày thứ hai

Sáng hôm sau, chúng tôi rời khách sạn và tạm biệt thành phố Cao Bằng để đến với điểm di sản địa chất Mắt Thần núi thuộc xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh, cách hồ Thăng Hen khoảng 2km. Nơi đây, được dân “xê dịch” đặt cho cái tên đầy thơ mộng - “Tuyệt tình cốc”.

mắt thần núi xuân quỳnh
Mắt Thần núi

Mắt Thần núiđược người dân bản địa gọi với cái tên dân dã là “Phja Piót”, (theo tiếng Tày nghĩa là “Núi thủng”), vì trên đỉnh núicó một hang thủng hình tròn, đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với chân núi. Nhìn từ trên cao, cảnh sắc nơi đây hiện ra như một bức tranh thơ mộng với đồng cỏ mênh mông và đàn trâu đang thong dong gặm cỏ, bao quanh là những ngọn núi cao điệp trùng. Vẻ đẹp thanh bình, yên ả nơi đây đã giúp chúng tôi xua tan những căng thẳng, ngột ngạt nơi đô thị ồn ào, tấp nập.

Từ “Tuyệt tình cốc”, chúng tôi lên xe đến Khu du lịch thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách Mắt Thần núi khoảng hơn 50 km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 89km. Đây là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; thác nước lớn thứ 4 thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia; lọt top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới.

Thác Bản Giốc rộng khoảng 300m gồm thác chính và thác phụ.Thác chính có 3 tầng, nằm giữa biên giới Việt – Trung.Thác phụ nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam. Ngọn thác là kiệt tác của sông Quây Sơn, khi dòng nước hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng bất ngờ đổ xuống từ độ cao hơn 30m thành mảng trắng xóa, tạo điểm nhấn ấn tượng cho một vùng núi non hùng vĩ.
 

du thuyền tại Bản Giốc XQ
Thác Bản Giốc

Nhìn từ trên cao, thác Bản Giốc như tấm lụa trắng muốt, mềm mại uốn lượn giữa sắc xanh bạt ngàn của núi rừng miền biên viễn. Đứng trước ngọn thác, chúng tôi chỉ còn biết kinh ngạc, ngẩn ngơ choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và dữ dội.

Đến đây, mỗi du khách chỉ mất vé vào cổng là 45.000 vnđ/người/lượt và vé đi bè dạo quanh dòng Quây Sơn (dịch vụ bổ sung) là 50.000 vnđ/ người/lượt.

Cách thác Bản Giốc chừng 3km là động Ngườm Ngao, với chiều dài trên 2.000m. Khám phá bên trong hang động, chúng tôi ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới diệu kỳ của nhũ đá muôn hình, muôn vẻ với: thác vàng, thác bạc,đài sen ngược, cột chống trời, ruộng bậc thang… kích thích và thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của các thành viên trong đoàn.

đài sen úp ngược ngườm Ngao Trần Chiến Thắng
Bông sen đá trong động Ngườm Ngao (Ảnh: Trần Chiến Thắng)

Ở đây, mỗi du khách tham quan mua vé vào cổng là 40.000 vnđ/người/lượt.

Những tia nắng dần tắt, chúng tôi di chuyển đến làng đá Khuổi Ky gần đó. Đây là nơi sinh sống của bà con dân tộc Tày.Lànghiệncó 14 ngôi nhà sàn bằng đá nằm nép mình dưới chân núi, phía trước là dòng suối nhỏ tuôn chảy róc ráchđêm ngày. Làng còn nổi tiếng với tục thờ thần đá độc đáo. Bà con đã sử dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá kiên cố. Những ngôi nhà sàn đá vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với dáng dấp cổ xưa, tạo nên nét cổ kính, nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên viễn.
 

làng đá 1 XQ
Làng đá Khuổi Ky

Làng đá Khuổi Ky không chỉ đặc trưng bởi không gian kiến trúc mà còn mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Đến đây, chúng tôi được thưởng thức các món ăn đặc trưng của núi rừng, hòa mình vào cuộc sống của người dân, lắng nghe những câu chuyện huyền thoại về các địa danh trong vùng, đắm chìm trong thanh âm ngọt ngào của tiếng đàn Tính cùng giọng hát trong trẻo của các thiếu nữ...

Sáng hôm sau, chúng tôi lên chiêm bái tại chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc- ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Từ trên chùa nhìn xuống, cảnh vật được thu lại trước mắt chúng tôi là vẻ đẹp vừa kỳ ảo, vừa thơ mộngvới đồng lúa bát ngát; rừng cây xanh ngút ngàn và thác Bản Giốc tuôn chảy giữa núi non điệp trùng… Tất cả đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
 

Bản Giốc nhìn từ chùa Phật tích XQ
Thác Bản Giốc nhìn từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Chia tay Cao Bằng, “miền non nước” tuy xa xôi cách trở nhưng lại ẩn chứa một vẻ đẹp bình yên đến diệu kỳ, làm xiêu lòng bất cứ ai từng đặt chân đến. Xe ô tô dần lăn bánh đưa chúng tôi về với Thủ đô Hà Nội, nhưng trong lòng chúng tôi ai nấy đều muốn ở lại, muốn trải nghiệm và khám phá nhiều hơn vẻ đẹp miền non nước Cao Bằng./.

Tác giả bài viết: Bế Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây