Tên gọi đặc biệt của món bánh này xuất phát từ nguyên liệu nước ngâm gạo - phần nước trong, lắng từ nước gio của nhiều loại cây khác nhau. Bánh gio được làm từ những nguyên liệu đơn giản sẵn có của địa phương như: gạo nếp, lá bông chít, lá dong, nước gio.
Đầu tiên, phải chọn loại gạo nếp chuẩn, hạt mẩy, tròn không lẫn gạo tẻ, đãi sạch. Chị Lãnh Thị Huệ, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình cho biết: Mỗi vùng có cách lựa chọn củi khác nhau. Ở địa phương tôi, gio được đun bằng củi một số loại như: cây sâu sâu, bưởi, mận… Đặc biệt, những loại củi này chưa khô kỹ nước gio sẽ cho màu đẹp hơn. Có thể ngâm cùng măng tre đỏ phơi khô để hạt gạo rực màu vàng hổ phách. Cho gạo vào ngâm đến khi nước ngấm vào gạo. Nếu ngâm gạo quá lâu, bánh sẽ bị nồng. Khi vớt gạo cần phải xả với nước thật sạch, để ráo. Đây là công đoạn quan trọng để tạo nên hương vị thanh mát của bánh.
Một chiếc bánh gio đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới được bóc ra chứ chưa cần thưởng thức. Bởi vậy, dáng hình và màu sắc của bánh là rất quan trọng. Người gói bánh phải khéo léo cho gạo vào lòng chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, thật đều và cân đối, sao cho chiếc bánh nhìn nuột nà và có hình dáng đặc trưng. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.
Bánh sau khi luộc chín được vớt ra phơi khô cho ráo nước sau đó có thể sử dụng ngay. Bánh gio có vị thanh mát, dịu ngọt của gạo nếp hòa quyện với hương lá dong, lá bông chít. Khi bóc từng lớp lá, một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra. Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát... Trong những bận rộn của cuộc sống hiện đại, bánh gio vừa là món ăn lưu giữ hương vị truyền thống, vừa là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Cao Bằng đang được gìn giữ và phát huy.
Tác giả bài viết: Trà An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn