Xôi ngũ sắc - hương vị của non nước Cao Bằng

Thứ tư - 11/07/2018 10:56
Văn hóa ẩm thực Cao Bằng rất độc đáo gợi nhớ về những hương vị vùng cao không lẫn với miền quê nào khác. Được thưởng thức một lần, thực khách sẽ có ấn tượng và nhớ mãi.

 

Soi ngu sac
                                                 Món xôi được phụ nữ Nùng An chế biến.

Đặc sắc nhất có lẽ là món xôi ngũ sắc. Món ăn thường được chế biến vào tiết Thanh Minh, dịp tảo mộ của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Xôi ngũ sắc là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, hương vị của sản vật địa phương, qua chế biến dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm cho món ăn hấp dẫn và độc đáo.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc thường được lựa chọn bởi giống gạo địa phương. Có thể là gạo nếp hương vùng Bảo Lạc hoặc nếp Pì Pết ở Hòa An, nếp Ong tại một số huyện miền Đông của tỉnh. Các loại lúa nếp này đều trồng ở những vùng có thổ nhưỡng đặc trưng và cây lúa nếp hấp thu dưỡng chất đất, tinh khí trời và bàn tay con người cần cù lao động chăm sóc nên có vị thơm ngon riêng. Thóc nếp sau khi xát, hạt gạo tròn, trắng như ngọc và mùi thơm quyến rũ vẫn đọng lại. 
Món ăn ngon nhưng chế biến khá cầu kỳ. Trước tiên gạo được đãi sạch và để ráo, sau đó lựa chọn các loại cây để tạo màu. Có 5 màu chủ đạo  gồm trắng, vàng, hồng, đen, tím. Màu trắng tự nhiên từ gạo. Màu hồng và tím được chế biến từ nhiều loại cây từ thiên nhiên nhưng chủ yếu là cây lá cẩm. Còn màu vàng được nhuộm bằng hoa bjoóc phón - loại cây mọc tự nhiên trong rừng, hoa nở vào mùa xuân có hương thơm rất đặc trưng. Màu đen tuyền được nhuộm từ lá cây sau sau. Lá cẩm rửa sạch, đem nấu sôi với nước cho ra màu rồi để nguội. Sau đó ngâm gạo khoảng 8 - 10 giờ để hạt gạo no nước. Trong các loại màu, thì màu đen chế biến phức tạp nhất. Lá sau sau lựa chọn loại bánh tẻ và hơi non mang về giã mịn, hòa nước rồi nấu sôi. Mỗi loại cây sau sau cho những màu sắc khác nhau. Nước được chắt lọc và ngâm với gạo. Quá trình tạo màu, màu đen của xôi có bắt mắt, thơm ngon phụ thuộc vào kinh nghiệm của người chế biến, khi đem gạo xuống ngâm còn kèm theo vỏ măng vầu, để xôi có màu đen hơn và có độ bóng hơn.

Độc đáo xôi ngũ sắc.

Sau khi nhuộm màu, quá trình đồ xôi có thể đồ riêng từng loại hoặc trộn hỗn hợp. Là phẩm màu tự nhiên nên mỗi màu khi nấu không bị phai. Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, gắn với dịp lễ, tết. Mỗi màu sắc trong xôi đều mang ý nghĩa triết lý riêng, năm màu tương ứng với năm chất trong “ngũ hành” có sự tương sinh, tương khắc. Đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình đoàn kết, tình yêu son sắt thủy chung và tấm lòng yêu kính mẹ cha của đồng bào.

Xôi ngũ sắc của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.

Sau khi trình bày, cùng với các món ăn khác, xôi ngũ sắc được kính cẩn dâng lên tổ tiên rồi sau đó để con cháu thưởng thức. Món xôi ngậy nhưng không ngấy. Đậm chất dinh dưỡng nhưng cũng rất thanh khiết bởi chế biến từ thực phẩm tự nhiên. Món xôi có thể ăn với thịt lợn quay, chấm muối vừng, hay ăn cùng măng rừng nhồi trứng kiến... Chính sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách nấu ăn của người phụ nữ Tày, Nùng đã tạo nên món xôi ngũ sắc độc đáo làm nên bản sắc riêng của đồng bào vùng cao. Nếu một lần đến thăm Cao Bằng, du khách hãy nhớ thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngon tinh tế của món ăn đầy sắc màu này. 


Lệ Hằng - Thủy Tiên
Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây