Địa danh Cao Bằng cũng là nơi diễn ra Chiến dịch Biên Giới năm 1950-chiến dịch đầu tiên và duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của dân tộc trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.
Sau khi ra chỉ thị, khẳng định: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch đặt tại xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Sáng sớm ngày 16-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát và chỉ đạo trận đánh Cứ điểm Đông Khê-trận mở màn Chiến dịch Biên Giới. Trong khoảnh khắc Bác Hồ chăm chú theo dõi trận đánh bằng ống nhòm trên đỉnh núi Báo Đông, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã kịp thời ghi lại bức ảnh lịch sử: “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê”. Khi lên đỉnh núi này, Bác Hồ đã tức cảnh sáng tác bài thơ bằng chữ Hán: Huề trượng đăng sơn quan trận địa/ Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân/ Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu/ Thề diệt sài lang xâm lược quân (Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy).
Du khách tham quan hiện vật, hình ảnh liên quan đến Chiến dịch Biên Giới năm 1950 trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Ảnh: Hằng Phương.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới năm 1950 là nguồn động viên tinh thần to lớn lan truyền đến toàn thể quân và dân ta. Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 16-9 đến 14-10-1950), Chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới năm 1950 mở ra bước ngoặt, chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên Giới năm 1950 tại huyện Thạch An có giá trị đặc biệt quan trọng, gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; gắn liền với sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, các địa điểm liên quan đến chiến thắng này gồm 19 di tích và điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn, đó là: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên Giới năm 1950 tại xã Đức Long; cụm di tích Cứ điểm Đông Khê tại thị trấn Đông Khê; cụm di tích Khau Luông tại xã Đức Xuân; cụm di tích Cốc Xả-Điểm cao 477 tại xã Trọng Con. Trong đó, nhiều di tích được khoanh vùng bảo vệ, quản lý như: Di tích nhà Sở chỉ huy chiến dịch; di tích Đài quan sát của Bộ chỉ huy chiến dịch với điểm nhấn là cụm tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê" trên đỉnh núi Báo Đông; di tích đồn Pháp (đồn Nà Lạn); di tích đồn Đông Khê (đồn To); di tích đồn Phia Khóa; di tích Cốc Xả và di tích Điểm cao 477-nơi diễn ra trận đánh then chốt, ta đã tiêu diệt hai binh đoàn tinh nhuệ bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ lúc đó là Binh đoàn La Page ở Cốc Xả và Binh đoàn Charton ở điểm cao 477… Trong số đó, có hai di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Những năm qua, nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên Giới năm 1950 tại huyện Thạch An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý đi đôi với giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ các điểm di tích; làm tốt công tác cắm mốc, cắm biển, khoanh vùng bảo vệ một số điểm di tích còn nằm rải rác ở rừng núi; thành lập lực lượng chức năng chuyên trách quản lý, bảo vệ một số di tích quan trọng; xây dựng hồ sơ di tích… Từ năm 2000, tỉnh Cao Bằng đã tích cực tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục, như: Lô cốt tháp canh, lô cốt số 1, lô cốt số 2, nhà trại lính, hệ thống hầm ngầm, hàng rào dây thép gai tại di tích đồn Đông Khê. Năm 2003 đã xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên Giới năm 1950 và trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan. Năm 2004 đã xây dựng đường lên địa điểm Đài quan sát Sở chỉ huy chiến dịch và xây dựng cụm tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê” trên đỉnh núi Báo Đông…
Với mong muốn bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và khoa học của các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên Giới năm 1950, mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên Giới năm 1950 tại huyện Thạch An là Di tích quốc gia hạng đặc biệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận, cùng với Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó tại huyện Hà Quảng, các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên Giới năm 1950 tại huyện Thạch An không những trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống lịch sử cho quân và dân địa phương, mà còn là nơi “về nguồn cách mạng” đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước.
SẦM VIỆT AN (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng)
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn