Tham dự buổi làm việc có đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các phòng, đơn vị thuộc Sở VHTTDL. Về phía đoàn công tác Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai có đồng chí Nguyễn Hoàng Hào, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai và đại diện các sở, ngành tỉnh Đồng Nai; Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai; Vườn Quốc gia Cát Tiên; Hội đồng tư vấn và Ban Thư ký Khu DTSQ Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL giới thiệu khái quát về điều kiện, tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, nhấn mạnh Cao Bằng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Với những giá trị về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học, năm 2018, CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững cũng như xây dựng thương hiệu địa phương, thu hút du lịch, đầu tư, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Cao Bằng xác định du lịch là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025. Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển CVĐC từ năm 2015 - 2024, ngành du lịch tỉnh có kết quả tăng trưởng khá nhanh từ việc triển khai mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO. Nhờ những nỗ lực thực hiện khuyến nghị cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO (GGN), Cao Bằng vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN). Mặc dù được tổ chức trong tình hình các tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra, Hội nghị APGN 8 đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều quyết định quan trọng của GGN và tìm ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng, phát triển danh hiệu CVĐC theo các tiêu chí của UNESCO.
Thông tin về quá trình hình thành, tình hình hoạt động của Khu DTSQ Đồng Nai, ông Nguyễn Hoàng Hào, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai cho biết: Khu DTSQ Đồng Nai trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông với tổng diện tích 756.000 ha. Năm 2011, Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu DTSQ trên cơ sở mở rộng và đổi tên từ Khu DTSQ Cát Tiên. Được mệnh danh là “lá phổi xanh” của các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Khu DTSQ Đồng Nai hiện đang giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150.000 ha liền mạch. Trong đó vừa có rừng tự nhiên, có khu Ramsar, có vùng nước nội địa và có các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp quốc gia đặc biệt. Khu DTSQ Đồng Nai là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích, hướng đến mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Tại buổi làm việc, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm quản lý và chuyên môn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất và văn hóa, tri thức bản địa; trao đổi, thảo luận về mô hình phát triển du lịch bền vững và nhu cầu, vai trò, bài học kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với di sản thiên nhiên.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp đoàn công tác Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai đến trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển mô hình du lịch bền vững. Khẳng định quyết tâm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng và Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai; thúc đẩy liên kết vùng, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa của 2 tỉnh Đồng Nai, Cao Bằng.
Từ ngày 19 – 21/11, đoàn công tác Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai khảo sát các điểm di sản, cơ sở đối tác và làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng trên các tuyến du lịch của CVĐC Non nước Cao Bằng tại địa phận các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình Quảng Hòa, Trùng Khánh.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn