Không gian văn hóa dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng vinh dự đạt giải A.
Đến với không gian văn hóadân tộc Tày, NùngCao Bằng, du khách như lạc vào một thế giới đầy màu sắc. Âm thanh trầm bổng của đàn Tính hòa quyện cùng lời hát Then du dương đã đưa người nghe đến những câu chuyện cổ tích, những nghi lễ tín ngưỡng linh thiêng của người Tày, Nùng. Du khách còn có cơ hội được xem các nghệ nhân truyền dạy hát Then, đàn Tính; trải nghiệm và khám phá nét đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Lời Then, tiếng đàn Tính ngọt ngào, sâu lắng của những người phụ nữ Tày Cao Bằng.
Đoàn Cao Bằng trình diễn nghi lễ Then của người Tày, Nùng tại Không gian văn hóa.
Bên cạnh đó, Không gian văn hóa còn tái hiện một cách sinh động những nghề thủ công truyền thống của người Tày, Nùng Cao Bằng. Khách tham quan được tận mắt chứng kiến quy trình dệt thổ cẩm, từ việc chọn sợi đến việc tạo hoa văn. Những tấm thổ cẩm với họa tiết tinh xảo, màu sắc sặc sỡ đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Nghề chế tác đàn Tính cũng được giới thiệu sinh động, tỉ mỉ, giúp du khách hiểu rõ hơn về quy trình tạo ra một cây đàn Tính độc đáo.
Nghệ nhân ưu tú Nông Thị Thược giới thiệu quy trình dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân Trần Đức Khang giới thiệu quy trình chế tác đàn Tính.
Nghề làm hương truyền thống của người Tày, Nùng cũng là điểm nhấn đặc biệt của không gian văn hóa. Mùi hương thơm dịu nhẹ tự nhiên đã tạo nên không gian ấm cúng, thư thái, mang đặc trưng của núi rừng miền biên viễn.
Quá trình phơi vải chàm đã được tái hiện sinh động, giúp du khách hiểu rõ hơn về một trong những nét đặc trưng của văn hóa Tày, Nùng. Du khách được chiêm ngưỡng những tấm vải chàm với màu xanh huyền ảo và tìm hiểu về ý nghĩa của màu sắc này trong văn hóa của người Tày, Nùng.
Sắc chàm - nét đặc sắc trong văn hóa của người Tày, Nùng Cao Bằng.
Đặc biệt, trong không gian văn hóa trưng bày mâm cơmvới chủ đề "Mâm cơm đoàn viên Tết Thanh Minh 3/3 âm lịch", thể hiện tinh thần "Kin nặm chứ cốc bó" (uống nước nhớ nguồn) của người Tày, Nùng Cao Bằng.
Mâm cơm mang đậm màu sắc văn hóa miền Non nước Cao Bằng.
Ngoài ra, không gian văn hóa Cao Bằng còn trưng bày triển lãm ảnh quảng bá văn hóa truyền thống và thành tựu kinh tế - xã hội dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng; các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như:rượu Kolia, miến, măng, nấm hương, bánh khảo, khẩu sli, kẹo lạc, chè lam...; các ấn phẩm du lịch góp phần giới thiệu thêm về cảnh quan thiên nhiên, giá trịlịch sử, đời sống văn hóa cũng như con người miền Non nước Cao Bằng.
Du khách tham quan triển lãm ảnh.
Bên cạnh việc trưng bày và giới thiệu các sản phẩm văn hóa, Cao Bằng còn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính; diễu hành quanh Hồ Gươm;công diễn một tiết mục đặc sắc tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục... Qua đó, du khách không chỉ được khám phá văn hóa mà còn có cơ hội giao lưu, kết bạn với những người yêu thích văn hóa truyền thống.
Không gian văn hóa dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng tại Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Sự kiện không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của Cao Bằng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng.
Tác giả bài viết: TTDL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn