Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống ở Luống Nọi ra đời, tồn tại và phát triển cùng với quá trình phát triển của cư dân Tày ở đây. Hơn hẳn các nghề thủ công khác, nghề dệt thổ cẩm đã vượt qua giới hạn là nghề mang tính tự cấp, tự túc mà trở thành nghề sản xuất hàng hoá có uy tín trên thị trường.
Ở xóm Luống Nọi, bà Nông Thị Thược là một trong số những người tâm huyết với nghề dệt truyền thống và quyết tâm bảo tồn nghề truyền thống của gia đình, dân tộc. Gần 10 năm về trước, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Luống Nọi, bà Thược luôn đau đáu làm sao gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống cha ông để lại. Bà Thược chia sẻ: Ngày trước, cả bản nhà nhà làm nghề dệt thổ cẩm nhưng nay chỉ còn hơn hai chục gia đình còn nghề... Tôi đã kêu gọi hội viên phụ nữ trong xóm không dỡ bỏ khung cửi, tiếp tục dệt thổ cẩm trong những lúc nông nhàn, đồng thời tự đi liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù sản phẩm bán ra được ít, thu nhập không đáng kể, nhưng những cố gắng của bà Thược và một số thợ dệt trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của người Tày đã được ghi nhận xứng đáng. Năm 2014, bà Thược được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam"; năm 2016, gia đình bà Thược được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam"; năm 2018, sản phẩm thổ cẩm của bà Thược được tặng danh hiệu "Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công của người Tày ở Luống Nọi được giới thiệu, quảng bá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và các nước trong khối ASEAN.
Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của người Tày. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm phát triển mà những giá trị văn hóa liên quan đến làng nghề được bảo lưu như: tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống yêu lao động, đạo đức nghề nghiệp... Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi là nhân tố chính góp phần làm nên sắc thái văn hoá làng nghề truyền thống của người Tày ở Cao Bằng, mặt khác, mô hình làng nghề của Luống Nọi còn được coi là mô hình làng nghề tiêu biểu ở vùng cao Việt Bắc mà các địa phương khác có thể học tập, noi theo.
Xóm Luống Nọi, cụ thể là gia đình bà Nông Thị Thược được công nhận là thành viên đối tác của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nơi đang có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, trong tour du lịch "Thành phố Cao Bằng - Cao Bình kinh đô xưa - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó", cùng những tour du lịch về nguồn... Việc giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống ở xóm Luống Nọi đã được chính quyền các cấp quan tâm. Hiện tại, nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là về lực lượng lao động. Cùng với nhóm dệt thổ cẩm của bà Thược, nhiều bà con trong xóm Luống Nọi đã bắt đầu quay trở lại với nghề dệt thổ cẩm và truyền dạy cho các thế hệ sau để trước hết là bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, phục vụ cho bản thân, sau đó tạo ra các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch. Với bề dày lịch sử tồn tại, phát triển và tích luỹ kinh nghiệm, đội ngũ thợ lành nghề và giàu tâm huyết, nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi có tiềm lực để mở rộng, phát triển, có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường sản phẩm dệt thổ cẩm trong và ngoài tỉnh.
Để làng nghề Luống Nọi ngày càng phát triển cường thịnh và trở thành địa chỉ quen thuộc của khách hàng gần xa, cần có những quan tâm, đầu tư phù hợp trong tổ chức lực lượng lao động, khen thưởng, khuyến khích nghệ nhân và tuyên truyền quảng bá rộng rãi về nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần tính đến các yếu tố hạn chế khác như vấn đề môi trường, an toàn lao động đặc thù...
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn