Những năm qua, trước sự đô thị hóa và phát triển xã hội hiện đại nhưng đồng bào DTTS ở huyện vẫn giữ được bản sắc của từng dân tộc. Từ không gian kiến trúc nhà sàn đến trang phục truyền thống đẹp bởi nhiều hoa văn phối màu rực rỡ, thêu may tỉ mỉ, ẩm thực chợ phiên có các sản vật quý; mỗi mùa, mỗi đồng bào lại có lễ hội đặc sắc mang đậm phong tục tập quán, dân ca dân vũ truyền thống. Ông Dương Tấn, thị trấn Bảo Lạc, người dày công nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các DTTS và tham mưu cho huyện phục dựng nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội cho biết: Mỗi DTTS huyện lưu giữ nét văn hóa độc đáo lưu truyền hàng nghìn năm. Chỉ nói riêng về ẩm thực, gạo Lùm Pua, Sí Thỉ của dân tộc Sán Chỉ, Lô Lô thơm, dẻo ngọt, rất tốt cho sức khỏe, được bà con bảo tồn giống. Đồng bào dân tộc Lô Lô có văn hóa đánh trống đồng với múa dân gian đặc sắc trở thành văn hóa tiêu biểu 54 dân tộc anh em Việt Nam. Chợ tình phong lưu cũng chỉ riêng có vùng đồng bào Lô Lô, Sán Chỉ, Mông, Dao… Văn hóa các DTTS lưu giữ một kho báu quý về tinh thần dân tộc, gắn kết cộng đồng và giá trị sức mạnh vật chất.
Xác định văn hóa DTTS là sức mạnh nội lực quan trọng, huyện tăng cường nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện đã kiểm kê, xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng, đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, đồng thời chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể vùng đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà chia sẻ: Đồng bào các DTTS huyện Bảo Lạc vừa có tinh thần gìn giữ văn hóa truyền thống vừa có tinh thần đoàn kết gắn bó rất chặt chẽ. Huyện xác định văn hóa các DTTS là nền tảng giá trị về sức mạnh nội lực về phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện khôi phục xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa các DTTS của huyện như: Tổ chức lễ hội Lồng tồng (Lễ hội cầu mùa) đồng bào dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội chùa Vân An; Chương trình văn nghệ hướng về biên giới tại xóm Lũng Mật (Xuân Trường); Tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao dân tộc Mông; Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc và Chợ tình phong lưu; Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô.
Đẩy mạnh triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó chính quyền các cấp đã chỉ đạo các xóm, bản chú trọng đi sâu vào chất lượng, vận động nhân dân quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống đặc sắc như gìn giữ các làn điệu dân ca dân vũ; thêu may và mặc trang phục truyền thống; khuyến khích làm các sản phẩm ẩm thực đặc sản địa phương trở thành hàng hóa… Tham gia trưng bày gian hàng các sản vật của địa phương tại các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh và Chợ tình Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang… Các hoạt động trên được các nghệ nhân cơ sở, đồng bào các DTTS huyện tích cực hưởng ứng tham gia.
Chị Chi Thị Duyên, nghệ nhân dân tộc Lô Lô, bản Khuổi Khon (Kim Cúc) cho rằng: Những năm qua, được cấp ủy, chính quyền xã và huyện quan tâm, khuyến khích bảo tồn văn hóa dân tộc Lô Lô, tôi và dân bản đem những bài dân ca dân tộc Lô Lô quen thuộc đi biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc và chợ tình phong lưu; đặc biệt là đem bộ trang phục mình tự thêu may đi thi trình diễn trang phục dân tộc được nhiều người khen. Tôi đã vận động chị em trong bản thành lập tổ thêu, dệt vải may áo quần dân tộc Lô Lô vừa để may quần áo truyền thống cho dân bản mặc, vừa bán cho du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng người Lô Lô tại Khuổi Khon.
Các chương trình, hoạt động văn hóa DTTS gắn với Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn năm 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 của Huyện ủy được UBND huyện và các cơ quan chức năng tích cực triển khai đem lại chuyển biến tích cực. Bà con đồng bào các DTTS huyện luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng của “xứ sở màu sắc chợ phiên, ẩm thực và lễ hội độc đáo” để thu hút du khách đến Bảo Lạc.
Hiện nay, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia phát triển hạ tầng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Có 12 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 6 khách sạn một sao để phục vụ khách du lịch và 6 nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn với 145 phòng nghỉ/285 giường đủ tiêu chuẩn. Du khách đến huyện bất kỳ mùa nào trong năm cũng thấy thuận tiện, hấp dẫn vì được khám phá, trải nghiệm không gian văn hóa chợ phiên; tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc... Huyện đã phát huy điểm du lịch đỏ đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường) gắn với cảnh quan đẹp, trồng hoa trên đường đèo 14 tầng cua thuộc xã Xuân Trường - Khánh Xuân và các tuyến phố, dọc bờ sông Gâm, thị trấn Bảo Lạc. Xúc tiến xây dựng dự án du lịch mạo hiểm Thiêng Qua (Việt Nam) với huyện Nà Po (Trung Quốc); khảo sát, kết nối các tuyến du lịch huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc - Thông Nông - Hà Quảng - Mèo Vạc - Đồng Văn (Hà Giang) và ngược lại; kết nối tuyến du lịch cộng đồng từ Khuổi Khon (Kim Cúc) - Phan Thanh - Pác Lũng (Huy Giáp) sang huyện Thông Nông... tạo điểm nhấn hấp dẫn cho những điểm đến nổi tiếng của huyện.
Từ những bước triển khai tích cực phát huy giá trị văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch, năm 2019, huyện Bảo Lạc đã đón trên 14.000 lượt du khách, trong đó có trên 6.000 lượt khách nước ngoài. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản định hướng mô hình phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa đặc trưng và bảo vệ môi trường trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn